Mẫu đơn đề nghị xác nhận quy hoạch xây dựng mới nhất? Các loại quy hoạch xây dựng như thế nào?
Mẫu đơn đề nghị xác nhận quy hoạch xây dựng mới nhất?
Hiện nay, mẫu đơn đề nghị xác nhận quy hoạch xây dựng là văn bản mà cá nhân hoặc tổ chức gửi đến cơ quan quản lý quy hoạch để xin xác nhận thông tin về quy hoạch tại một khu vực hoặc thửa đất cụ thể.
Việc xác nhận này rất cần thiết trước khi thực hiện các dự án xây dựng, đầu tư nhằm đảm bảo rằng các kế hoạch phát triển phù hợp với quy định của địa phương. Mẫu đơn đề nghị xác nhận quy hoạch xây dựng thường bao gồm các nội dung cơ bản như thông tin người đề nghị, vị trí khu đất, mục đích xác nhận, và các tài liệu liên quan.
Dưới đây là mẫu đơn đề nghị xác nhận quy hoạch xây dựng mới nhất:
>> Mẫu đơn đề nghị xác nhận quy hoạch xây dựng: Tải về
*Lưu ý: Mẫu đơn đề nghị xác nhận quy hoạch xây dựng chỉ mang tính chất tham khảo!
Khi viết đơn đề nghị xác nhận quy hoạch xây dựng, cần lưu ý những điểm sau để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả:
- Thông tin cá nhân/tổ chức chính xác: Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cá nhân hoặc tổ chức đề nghị, bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ. Đây là yếu tố cơ bản giúp cơ quan tiếp nhận có thể liên hệ khi cần.
- Thông tin thửa đất rõ ràng: Mô tả cụ thể vị trí thửa đất hoặc khu vực cần xác nhận quy hoạch (số thửa, tờ bản đồ, địa chỉ khu đất) để tránh nhầm lẫn.
- Mục đích xác nhận: Ghi rõ lý do đề nghị xác nhận quy hoạch (ví dụ: để chuẩn bị thủ tục xây dựng, mua bán, hoặc kiểm tra tình trạng quy hoạch của khu đất).
- Cam kết tuân thủ quy định: Cuối đơn, nên có cam kết của cá nhân hoặc tổ chức về việc sẽ tuân thủ các quy định về quy hoạch và xây dựng.
- Đính kèm tài liệu liên quan: Đính kèm bản sao sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), sơ đồ vị trí khu đất, hoặc các giấy tờ pháp lý khác để cơ quan quản lý có đủ thông tin đối chiếu.
- Ngôn ngữ rõ ràng, đúng mẫu văn bản hành chính: Sử dụng ngôn từ chính xác, lịch sự và theo đúng quy cách văn bản hành chính nhằm thể hiện sự chuyên nghiệp và dễ hiểu.
- Ký và ghi rõ họ tên: Đảm bảo ký tên và ghi rõ họ tên ở cuối đơn để tăng tính xác thực cho nội dung đề nghị.
Mẫu đơn đề nghị xác nhận quy hoạch xây dựng mới nhất? Các loại quy hoạch xây dựng như thế nào? (Hình ảnh Internet)
Các loại quy hoạch xây dựng như thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 sửa đổi Điều 13 Luật Xây dựng 2014 thì quy hoạch xây dựng gồm các loại sau:
(1) Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
(2) Quy hoạch đô thị là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm các loại quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị 2009. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.
(3) Quy hoạch nông thôn là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm các loại quy hoạch được quy định tại Khoản 2 Điều 29 Luật Xây dựng 2014
Căn cứ lập quy hoạch xây dựng bao gồm:
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển;
- Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;
- Quy hoạch thời kỳ trước;
- Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng và quy chuẩn khác có liên quan;
- Bản đồ, tài liệu, số liệu về hiện trạng kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên của địa phương.
Yêu cầu và nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 14 Luật Xây dựng 2014 và khoản 3 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 sửa đổi bổ sung Điều 14 Luật Xây dựng 2014 quy định yêu cầu và nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng cụ thể như sau:
- Yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng gồm:
+ Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững; công khai, minh bạch, kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân;
+ Tổ chức, sắp xếp không gian lãnh thổ trên cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, di tích lịch sử, di sản văn hóa và nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đặc điểm lịch sử, văn hóa, trình độ khoa học và công nghệ theo từng giai đoạn phát triển;
+ Đáp ứng nhu cầu sử dụng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; bảo đảm sự kết nối, thống nhất công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực, vùng, quốc gia và quốc tế;
+ Bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động bất lợi đến cộng đồng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật;
+ Xác lập cơ sở cho công tác kế hoạch, quản lý đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng các công trình xây dựng trong vùng, khu chức năng, khu vực nông thôn.
- Nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng gồm:
+ Việc thực hiện chương trình, hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan phải tuân thủ quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và phù hợp với nguồn lực huy động;
+ Cấp độ quy hoạch xây dựng phải bảo đảm thống nhất và phù hợp với quy hoạch có cấp độ cao hơn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.