Hoạt động nào được thực hiện trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển năm 2024?
Hoạt động nào được thực hiện trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 26/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 37/2024/NĐ-CP quy định các hoạt động được thực hiện trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm:
- Thả phao đánh dấu ranh giới vùng biển;
- Điều tra, nghiên cứu khoa học sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chịu sự giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển;
- Tuyên truyền, giáo dục môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hoạt động vi phạm;
- Thực hiện các hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, khảo cổ học;
- Xử lý sự cố trên biển, cứu hộ loài nguy cấp, quý, hiếm, bảo tồn hệ sinh thái biển.
Như vậy, cá nhân, tổ chức được thực hiện các hoạt động trên trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển.
Hoạt động nào được thực hiện trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển? (Hình từ Internet)
Khu bảo tồn biển gồm những loại hình nào?
Căn cứ tại Điều 15 Luật Thủy sản 2017 quy định khu bảo tồn biển bao gồm vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan. Việc phân cấp khu bảo tồn biển thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
Trong đó, các tiêu chí xác lập từng loại hình khu bảo tồn biển như sau:
- Tiêu chí xác lập khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
- Tiêu chí xác lập vườn quốc gia bao gồm:
+ Có hệ sinh thái biển quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên;
+ Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc thuộc nhóm loài thủy sản cấm khai thác trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
+ Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục;
+ Có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị du lịch sinh thái.
- Tiêu chí xác lập khu bảo tồn loài - sinh cảnh bao gồm:
+ Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc thuộc nhóm loài thủy sản cấm khai thác trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục;
+ Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản đặc hữu hoặc loài thủy sản bản địa có giá trị đặc biệt về khoa học, kinh tế; có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường.
Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến khu bảo tồn biển là gì?
Căn cứ tại Điều 13 Nghị định 26/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 37/2024/NĐ-CP quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến khu bảo tồn biển như sau:
(1) Đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo tại khu bảo tồn biển có nghĩa vụ sau đây:
- Gửi kế hoạch điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo tại khu bảo tồn biển tới Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển trước khi thực hiện 10 ngày;
- Thực hiện điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật, Quy chế quản lý khu bảo tồn biển và hướng dẫn, giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển;
- Thông báo cho Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển về kết quả điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo; tài liệu công bố trong nước hoặc quốc tế (nếu có);
- Chi trả chi phí dịch vụ, giám sát cho Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển theo quy định, trừ hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học.
(2) Tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản trong khu bảo tồn biển có nghĩa vụ sau đây:
- Triển khai hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Tuân thủ Quy chế quản lý khu bảo tồn biển, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển;
- Bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; tham gia hoạt động làm sạch môi trường, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn;
- Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học cho khách du lịch;
- Chi trả chi phí dịch vụ cho Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển theo quy định;
- Tổ chức, cá nhân đủ điều kiện và có nhu cầu khai thác, nuôi trồng thủy sản trong khu bảo tồn biển phải đăng ký với Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển.
(3) Đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển có nghĩa vụ:
- Chấp hành quy chế quản lý khu bảo tồn biển, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển và quy định của pháp luật có liên quan;
- Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong khu bảo tồn biển;
- Tham gia hoạt động tái tạo, phục hồi các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn.
Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 5 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.