Được xuất hóa đơn trước thời điểm doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn thì có bị xử lý về hành vi khai sai, trốn thuế không?
- Được xuất hóa đơn trước thời điểm doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn thì có bị xử lý về hành vi khai sai, trốn thuế không?
- Hướng dẫn xử lý hóa đơn khi mua hàng hóa của doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn nhưng chưa có kết luận của cơ quan thuế?
- Xử lý hóa đơn mua của doanh nghiệp bỏ trốn khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế như thế nào?
Được xuất hóa đơn trước thời điểm doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn thì có bị xử lý về hành vi khai sai, trốn thuế không?
Trước hết, theo quy định tại Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019 quy định cụ thể các hành sau đây bị xem là hành vi trốn thuế:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của Luật này.
- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.
- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
- Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
- Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan.
- Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế.
- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan quản lý thuế.
Đồng thời căn cứ theo hướng dẫn tại Công văn 11805/CT-TTHT năm 2014 thì doanh nghiệp đã được cơ quan Thuế thông báo về những hóa đơn mua của doanh nghiệp bán hàng bị cơ quan thuế kết luận là doanh nghiệp bỏ trốn thì thực hiện kiểm tra thời điểm phát sinh hóa đơn trước hay sau khi doanh nghiệp bỏ trốn:
(1) Trường hợp hóa đơn được lập sau ngày doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn:
- Đây được xác định là hóa đơn bất hợp pháp, doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT, không được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế.
(2) Trường hợp hóa đơn lập trước ngày doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn:
- Trường hợp bên mua đã sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh bỏ trốn để kê khai khấu trừ thuế GTGT, tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN mà thời điểm mua hàng hóa, dịch vụ phát sinh trước ngày xác định cơ sở kinh doanh bỏ trốn theo thông báo của cơ quan thuế và cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác chưa đủ căn cứ để kết luận đó là hóa đơn bất hợp pháp thì cơ quan thuế phải thực hiện kiểm tra xác định:
+ Đúng có hàng hóa, dịch vụ mua vào
+ Yêu cầu cơ sở kinh doanh chứng minh và chịu trách nhiệm trước pháp luật việc mua bán là có thật
+ Có hợp đồng mua bán, văn bản chứng từ thanh lý hợp đồng (nếu có), phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, chứng từ thanh toán tiền;
+ Hàng hóa, dịch vụ mua vào của doanh nghiệp bỏ trốn được sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh đã bán ra và đã kê khai thuế, có hạch toán kế toán đầy đủ, đúng quy định thì cơ sở kinh doanh được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn mua hàng đó và tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp (bên mua) thực tế có mua hàng hóa và được xuất hóa đơn hợp pháp trước thời điểm doanh nghiệp bị cơ quan thuế xác định là doanh nghiệp thì bỏ trốn (bên bán) thì không bị xử lý về hành vi khai sai hoặc trốn thuế theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Xem thêm: Lịch nộp thuế, tờ khai thuế 2024 quan trọng doanh nghiệp, kế toán cần lưu ý
Được xuất hóa đơn trước thời điểm doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn thì có bị xử lý về hành vi khai sai, trốn thuế không?
Hướng dẫn xử lý hóa đơn khi mua hàng hóa của doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn nhưng chưa có kết luận của cơ quan thuế?
Căn cứ tại Công văn 11797/BTC-TCT năm 2014, Tổng cục Thuế hướng dẫn xử lý hóa đơn khi mua hàng hóa của doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn nhưng chưa có kết luận của cơ quan thuế như sau:
- Nếu doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT:
Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để tạm dừng kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với các hóa đơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chờ kết quả chính thức cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp chỉ được thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các hóa đơn không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Nếu doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế GTGT:
Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để kê khai điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã khấu trừ.
Trường hợp doanh nghiệp khẳng định việc mua bán hàng hóa và hóa đơn GTGT đầu vào sử dụng kê khai khấu trừ là đúng quy định thì doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời cơ quan thuế phải thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp để kết luận và xử lý vi phạm theo quy định.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải thực hiện xác minh, đối chiếu với doanh nghiệp có quan hệ mua bán về một số nội dung.
+ Kiểm tra, xác minh về hàng hóa: Hợp đồng mua bán hàng hóa (nếu có); hình thức giao nhận hàng hóa; địa điểm giao nhận hàng hóa; phương tiện vận chuyển hàng hóa; chi phí vận chuyển hàng hóa; chủ sở hữu hàng hóa và nguồn gốc hàng hóa (trước thời điểm giao nhận hàng hóa)
+ Kiểm tra xác minh về thanh toán: Ngân hàng giao dịch; đối tượng nộp tiền vào tài khoản để giao dịch; số lần thực hiện giao dịch; hình thức thanh toán; chứng từ thanh toán.
+ Kiểm tra xác minh về xuất khẩu hàng hóa: Tờ khai hải quan có xác nhận thực xuất của Cơ quan hải quan; chứng từ thanh toán qua ngân hàng; Vận đơn (nếu có).
Qua thanh tra, kiểm tra nếu xác minh được việc mua bán hàng hóa là có thực và đúng với quy định của pháp luật thì giải quyết cho doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế GTGT; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp cam kết nếu trong các hồ sơ, tài liệu doanh nghiệp xuất trình cho cơ quan Thuế sau này phát hiện có sai phạm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, có dấu hiệu tội phạm thì lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử lý hóa đơn mua của doanh nghiệp bỏ trốn khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế như thế nào?
Theo hướng dẫn tại Mục 3 Công văn 13706/BTC-TCT năm 2013 và Công văn 1752/BTC-TCT năm 2014 về xử lý hóa đơn mua của doanh nghiệp bỏ trốn khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo từng trường hợp sau:
(1) Doanh nghiệp chưa được giải quyết hoàn thuế:
- Tạm dừng hoàn thuế đối với số hàng hóa của hóa đơn có dấu hiệu vi phạm đang được cơ quan chức năng thanh tra, điều tra; số hàng hóa không thuộc diện có dấu hiệu vi phạm được thực hiện khấu trừ, hoàn thuế đầy đủ, kịp thời theo quy định.
(2) Doanh nghiệp đã được hoàn thuế:
- Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để doanh nghiệp tự kê khai điều chỉnh thuế GTGT nếu doanh nghiệp mua bán hàng hóa trước đó có vi phạm. Trường hợp doanh nghiệp tự kiểm tra, đối chiếu và khẳng định việc mua bán hàng hóa và hóa đơn GTGT đầu vào sử dụng kê khai khấu trừ là đúng quy định pháp luật thì doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ kê khai, hoàn thuế GTGT của mình.
Theo đó, cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế cho doanh nghiệp theo đúng quy định. Đồng thời, trong quá trình thanh tra tại doanh nghiệp, doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp để kiểm tra hồ sơ kê khai thuế của doanh nghiệp này, xác minh, kết luận hành vi vi phạm của doanh nghiệp liên quan đến các hóa đơn mà doanh nghiệp đã sử dụng để kê khai khấu trừ, hoàn thuế GTGT.
(3) Phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật thuế:
- Cơ quan thuế thực hiện lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.