Đối tượng nào được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi? Phương thức hỗ trợ kinh phí là gì?
Đối tượng nào được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi?
Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 62/2018/NĐ-CP đối tượng được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi quy định như sau:
- Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.
Diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm bao gồm đất có quy hoạch, kế hoạch trồng ít nhất một vụ lúa trong năm hoặc diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng cây hàng năm nhưng thực tế có trồng ít nhất một vụ lúa trong năm.
- Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc công nhận cho hộ nghèo. Việc xác định hộ nghèo được căn cứ vào hộ chuẩn nghèo ban hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng sau đây:
+ Hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao hoặc công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Hộ gia đình, cá nhân nông dân bao gồm: Những người có hộ khẩu thường trú tại địa phương.
+ Những người có nguồn sống chính bằng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là cư trú lâu dài tại địa phương nhưng chưa có hộ khẩu thường trú; những hộ gia đình, cá nhân trước đây hoạt động trong các ngành nghề phi nông nghiệp và có hộ khẩu thường trú tại địa phương nay không có việc làm.
+ Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân và bộ đội nghỉ mất sức hoặc nghỉ việc do sắp xếp lại sản xuất, tinh giảm biên chế hưởng trợ cấp một lần hoặc hưởng trợ cấp một số năm về sống thường trú tại địa phương; con của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân sống tại địa phương đến tuổi lao động nhưng chưa có việc làm.
+ Hộ gia đình, cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh (hoặc các công ty nông nghiệp chuyển đổi từ nông trường quốc doanh) để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
Việc giao khoán đất của hợp tác xã và nông trường quốc doanh (hoặc các công ty nông nghiệp chuyển đổi từ nông trường quốc doanh) để sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định 168/2016/NĐ-CP.
+ Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật. Nông trường viên bao gồm:
++ Cán bộ, công nhân, viên chức đang làm việc cho nông trường quốc doanh.
++ Hộ gia đình có người đang làm việc cho nông trường quốc doanh hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, được hưởng chế độ đang cư trú trên địa bàn; hộ gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang cư trú trên địa bàn.
+ Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.
- Các trường hợp không thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí quy định tại điều này phải trả tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo quy định.
Đối tượng nào được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi? Hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi bằng phương thức nào? (Hình từ Internet)
Hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi bằng phương thức nào?
Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 62/2018/NĐ-CP quy định hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi bằng phương thức như sau:
- Ngân sách nhà nước chi trả kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trực tiếp cho các tổ chức khai thác công trình thủy lợi trên cơ sở nghiệm thu diện tích, khối lượng, biện pháp tưới tiêu và mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 62/2018/NĐ-CP.
+ Ngân sách trung ương chi trả kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho các tổ chức khai thác công trình thủy lợi trung ương.
+ Ngân sách địa phương chi trả cho các tổ chức khai thác công trình thủy lợi địa phương.
- Các địa phương sử dụng ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương (nếu có) để hỗ trợ các tổ chức khai thác công trình thủy lợi địa phương. Ngân sách trung ương hỗ trợ theo nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Phân bổ dự toán kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi như thế nào?
Căn cứ tại Điều 7 Nghị định 62/2018/NĐ-CP quy định phân bổ dự toán kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi như sau:
- Bộ Tài chính phân bổ kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện phân bổ dự toán kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho các tổ chức khai thác công trình thủy lợi và các huyện. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ kinh phí được hỗ trợ cho các tổ chức khai thác công trình thủy lợi và các huyện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.