Đề xuất phương án xây dựng Nghị định về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập trước 10/12/2023?
- Đề xuất phương án xây dựng Nghị định về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập trước 10/12/2023?
- Hiện nay nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng phụ cấp ưu đãi như thế nào?
- Phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thay đổi ra sao khi thực hiện cải cách tiền lương 2024?
Đề xuất phương án xây dựng Nghị định về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập trước 10/12/2023?
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 9401/VPCP-KTTH năm 2023 về vấn đề phụ cấp ưu đãi nhà giáo trực tiếp giảng dạy trong cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, Công văn 9401/VPCP-KTTH năm 2023 đã nêu rõ:
Xét đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1754/TTr-BGDĐT ngày 20 tháng 10 năm 2023 về đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến như sau:
1. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại văn bản trên, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp trước ngày 10 tháng 12 năm 2023, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị quyết 27-NQ/TW, chủ trương thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, các Nghị quyết của Quốc hội có liên quan và quy định của pháp luật.
Như vậy, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu về vấn đề phụ cấp ưu đãi nhà giáo trực tiếp giảng dạy trong cơ sở giáo dục công lập để báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp trước ngày 10 tháng 12 năm 2023.
Hiện nay nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng phụ cấp ưu đãi như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Mục II Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC thì hiện nay nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng phụ cấp ưu đãi như sau:
(*) Mức phụ cấp như sau:
- Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh);
- Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;
- Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa;
- Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học), trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo và nhà giáo dạy môn chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề;
- Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng;
- Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Việc xác định địa bàn miền núi thực hiện theo quy định của Uỷ ban Dân tộc; địa bàn hải đảo theo thực tế địa lý; địa bàn vùng sâu, vùng xa tuỳ theo đặc điểm của từng địa phương do Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn sau khi có ý kiến thống nhất của Liên Bộ.
(*) Cách tính phụ cấp như sau:
Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.
Đề xuất xây dựng Nghị định về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập trước 10/12/2023? (Hình ảnh từ Internet)
Phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thay đổi ra sao khi thực hiện cải cách tiền lương 2024?
Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 vào sáng 10/11. Theo đó, Nghị quyết quyết nghị, từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Theo đó, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 thống nhất các nội dung sau về các khoản phụ cấp:
II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG CẢI CÁCH
...
3. Nội dung cải cách
3.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)
...
d) Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương
...
- Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
...
Như vậy, khi thực hiện cải cách tiền lương 2024 từ 01/7/2024 thì nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập cơ bản vẫn sẽ được giữ khoản phụ cấp ưu đãi hay phụ cấp ưu đãi theo nghề. Tuy nhiên, khoản phụ cấp trên được gộp chung với phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm với tên gọi chung là phụ cấp theo nghề.
Ngoài ra, theo cách tính phụ cấp ưu đãi nhà giáo hiện tại thì các yếu tố để xác định mức phụ cấp sẽ gồm có lương cơ sở (trước đây là mức lương tối thiểu chung), hệ số lương, hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo nếu có. Tuy nhiên, những yếu tố này sẽ bị bãi bỏ khi thực hiện cải cách tiền lương. Vì thế, có thể mức phụ cấp ưu đãi nhà giáo sau cải cách tiền lương sẽ thay đổi.
Bên cạnh đó, vừa qua Bộ Giáo dục và Đạo tạo cũng đã đề xuất xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có phương án trình đề xuất trước ngày 10/12/2023.
Do đó, đến khi ban hành văn bản chính thức thì sẽ xác định được phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thay đổi như thế nào so với hiện tại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.