Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự sát hạch lái xe từ 01/6/2024 được quy định thế nào? Việc tổ chức sát hạch ra sao?
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự sát hạch lái xe từ 01/6/2024 là cơ quan nào?
Căn cứ tại Điều 19 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT quy định cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự sát hạch lái xe như sau:
- Đối với người dự sát hạch lái xe lần đầu: Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi bằng một trong các hình thức: trực tiếp, bưu chính, văn bản điện tử đồng thời truyền dữ liệu qua hệ thống thông tin giấy phép lái xe đến Sở Giao thông vận tải.
- Đối với người dự sát hạch nâng hạng giấy phép lái xe lên hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F: Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi bằng một trong các hình thức: trực tiếp, bưu chính, văn bản điện tử đồng thời truyền dữ liệu qua hệ thống thông tin giấy phép lái xe đến Sở Giao thông vận tải.
- Đối với người dự sát hạch lại do giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng theo quy định: Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải.
- Đối với người dự sát hạch lại do bị mất giấy phép lái xe: Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải.
Hiện hành, hồ sơ dự sát hạch lái xe phải gửi trực tiếp tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải theo quy định Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (có nội dung bị bãi bỏ bởi khoản 31 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT) như sau:
Hồ sơ dự sát hạch lái xe
1. Đối với người dự sát hạch lái xe lần đầu
Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Cục đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
a) Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư này;
b) Chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo đối với người dự sát hạch lái xe hạng A4, B1, B2 và C;
c) Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch.
2. Đối với người dự sát hạch nâng hạng giấy phép lái xe lên hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F
Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Cục đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
a) Hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư này;
b) Chứng chỉ đào tạo nâng hạng;
c) Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch nâng hạng.
3. Đối với người dự sát hạch lại do giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng theo quy định
Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Cục đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy tờ quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 9 của Thông tư này;
b) Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này;
4. Đối với người dự sát hạch lại do bị mất giấy phép lái xe
Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Cục đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy tờ quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 9 của Thông tư này;
b) Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này có ghi ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận;
c) Bản chính hồ sơ gốc của giấy phép lái xe bị mất (nếu có).
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự sát hạch lái xe từ 01/6/2024 được quy định thế nào? Việc tổ chức sát hạch ra sao? (Hình từ Internet)
Tổ chức sát hạch lái xe thế nào từ 01/6/2024?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 21 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi bởi điểm a khoản 14 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT quy định việc tổ chức sát hạch được thực hiện như sau:
- Sát hạch lý thuyết thực hiện trên máy vi tính (trừ sát hạch đối với hạng A1 tại các địa bàn thuộc các đô thị từ loại 3 trở lên có khoảng cách đến trung tâm đô thị loại 3 trở lên trên 100 km được phép sát hạch bằng phương pháp trắc nghiệm trên giấy); phòng sát hạch lý thuyết có camera để giám sát quá trình sát hạch;
- Sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính đối với các hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F; phòng sát hạch có camera để giám sát quá trình sát hạch;
- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng A1, A2 thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe hoặc cơ sở đào tạo lái xe có sân sát hạch đủ điều kiện, có thiết bị chấm điểm tự động (trừ các địa bàn có khoảng cách đến trung tâm đô thị từ loại 3 trở lên trên 100 km được phép sát hạch bằng phương pháp chấm điểm trực tiếp);
- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng F thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe hoặc sân sát hạch có đủ điều kiện thuộc trung tâm sát hạch lái xe; không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;
- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng B1, B2, C, D, E thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe có thiết bị chấm điểm tự động; không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;
- Sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông áp dụng đối với các hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F và có một sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;
- Sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông đối với các hạng B1, B2, C, D và E phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động.
Cơ quan quản lý sát hạch lái xe là cơ quan nào?
Căn cứ tại Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi bởi điểm a khoản 20 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT quy định cơ quan quản lý sát hạch lái xe gồm:
- Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước;
- Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng được giao nhiệm vụ quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là tổ chức tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (gọi là cơ quan quản lý sát hạch).
Như vậy, cơ quan quản lý sát hạch lái xe là Cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải.
Thông tư 05/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.