Cơ quan thanh tra gồm những cơ quan nào? Cơ quan thanh tra có chức năng gì theo Luật Thanh tra 2022?
Cơ quan thanh tra là những cơ quan nào?
Căn cứ theo khoản 18 Điều 2 Luật Thanh tra 2022, khái niệm cơ quan thanh tra được định nghĩa như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
18. Cơ quan thanh tra là cơ quan được thành lập theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Theo đó, các cơ quan thanh tra được quy định tại Điều 9 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra
1. Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm:
a) Thanh tra Chính phủ;
b) Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh);
c) Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện);
d) Cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
2. Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực bao gồm:
a) Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thanh tra Bộ);
b) Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương (sau đây gọi chung là Thanh tra Tổng cục, Cục);
c) Thanh tra sở.
3. Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.
4. Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.
5. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Như vậy, theo quy định tại Luật Thanh tra 2022, cơ quan thanh tra được phân chia bao gồm:
- Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính;
- Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực;
- Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.
Cơ quan thanh tra gồm những cơ quan nào? Cơ quan thanh tra có chức năng gì theo Luật Thanh tra 2022? (Hình từ Internet)
Theo Luật Thanh tra 2022, cơ quan thanh tra có chức năng gì?
Chức năng của cơ quan thanh tra được xác định tại Điều 5 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Chức năng của cơ quan thanh tra
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cơ quan thanh tra có các chức năng:
- Hỗ trợ thực hiện quản lý nhà nước trong công tác thanh tra;
- Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
- Tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 7 Luật Thanh tra 2022, cơ quan thanh tra còn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động thanh tra.
Cụ thể:
Trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thực hiện chức năng thanh tra với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan, tổ chức có liên quan, người có thẩm quyền trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra có trách nhiệm như thế nào?
Trách nhiệm của Thủ tưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra được quy định rõ tại Điều 6 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng), Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị về nội dung thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Như vậy, Thủ tưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra thực hiện các trách nhiệm nêu trên.
Luật Thanh tra 2022 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.