Có được giao kết hợp đồng hôn nhân trước khi kết hôn không? Giao kết hợp đồng hôn nhân sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Hợp đồng hôn nhân được hiểu là gì?
Hiện nay, không có quy định cụ thể nào quy định về hợp đồng hôn nhân. Tuy nhiên, theo bản chất của hợp động là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, các thỏa thuận về tài sản của vợ, chồng trước khi kết hôn có thể coi là một trong các hình thức của hợp đồng hôn nhân hiện nay.
Trên thực tế, khái niệm hợp đồng hôn nhân được nhiều người sử dụng để thỏa thuận về quan hệ hôn nhân bao gồm cả kết hôn, ly hôn, quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con cái, cấp dưỡng...
Có được giao kết hợp đồng hôn nhân trước khi kết hôn không? Giao kết hợp đồng hôn nhân sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ internet)
Có được thành lập hợp đồng hôn nhân trước khi kết hôn hay không?
Theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, giữa vợ chồng chỉ có thỏa thuận về chế độ tài sản là dạng thỏa thuận có thể lập thành hợp đồng.
Thỏa thuận này phải lập trước khi kết hôn dưới hình thức là văn bản có công chứng hoặc chứng thực và được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Trong quá trình chung sống rất khó tránh các xung đột, mâu thuẫn. Cho nên, việc thành lập hợp đồng hôn nhân có vai trò rất quan trọng để:
- Phân chia rõ ràng tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng.
- Trong quá trình chung sống sẽ hạn chế xung đột, mâu thuẫn vợ chồng liên quan đến tài sản chung, tài sản riêng.
- Khi hai vợ chồng ly hôn, nếu có hợp đồng hôn nhân thì sẽ dễ dàng trong việc phân chia tài sản chung vợ, chồng, giảm bớt thời gian, thủ tục khi thực hiện ly hôn...
Do đó, được thành lập hợp đồng hôn nhân nếu trong hợp đồng hôn nhân nếu thỏa thuận về chế độ tải sản thì sẽ được pháp luật cho phép. Nếu hợp đồng quy định các vấn đề nằm ngoài chế độ tài sản, đặc biệt nhằm trực lợi, hợp đồng lập ra để kết hôn giả là những hợp đồng vi phạm pháp luật.
Xác lập hợp đồng hôn nhân bị phát hiện kết hôn giả tạo sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Nếu hai bên nam, nữ kết hôn không nhằm mục đích kết hôn mà kết hôn hoặc lập hợp đồng hôn nhân vì mục đích khác thì sẽ bị coi là kết hôn giả tạo. Do đó, việc kết hôn sẽ trái pháp luật và bị xử phạt theo Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP về xử lý yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật như sau:
"Điều 4. Xử lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
1. Khi xem xét, giải quyết yêu cầu có liên quan đến việc hủy kết hôn trái pháp luật, Tòa án phải căn cứ vào yêu cầu của đương sự và điều kiện kết hôn, điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân quy định tại Điều 8 và Điều 11 của Luật hôn nhân và gia đình để quyết định.
2. Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình thì Tòa án xử lý như sau:
a) Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn.
...
b) Nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Trường hợp có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến thời điểm hủy việc kết hôn trái pháp luật được giải quyết theo quy định tại Điều 12 của Luật hôn nhân và gia đình.
c) Trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trường hợp này, quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con từ thời điểm kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến trước thời điểm đủ điều kiện kết hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm đủ điều kiện kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình.
3. Trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không có đủ các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình thì thực hiện như sau:
a) Nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;
b) Nếu một hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Trường hợp quyết định theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản này thì Tòa án áp dụng quy định tại Điều 12 của Luật hôn nhân và gia đình để giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật.
4. Khi xử lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án phải căn cứ vào quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình có hiệu lực tại thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân để xác định việc kết hôn có trái pháp luật hay không. Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu xử lý việc kết hôn trái pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật tố tụng dân sự có hiệu lực tại thời điểm giải quyết. Đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thuộc trường hợp cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc từ năm 1954, đã có vợ, có chồng ở miền Nam mà lấy vợ, lấy chồng ở miền Bắc thì vẫn xử lý theo Thông tư số 60/TATC ngày 22-02-1978 của Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn giải quyết các trường hợp cán bộ, bộ đội trong Nam tập kết ra Bắc mà lấy vợ, lấy chồng khác”."
Việc kết hôn giả tạo không chỉ không được pháp luật công nhận mà thậm chí nếu mục đích của việc kết hôn này không nhằm để xây dựng gia đình, vì mục đích trục lợi thì có thể bị phạt hành chính.
Theo đó, nếu người nào lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc thực hiện các mục đích trục lợi khác thì có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.