Sắp tới, chợ được phân loại như thế nào theo dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ?
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định về phát triển và quản lý chợ như thế nào?
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định về phát triển và quản lý chợ được quy định tại Điều 1 Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ (Dự thảo 2) như sau:
- Nghị định này quy định về phát triển và quản lý chợ, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động về chợ, bao gồm các lĩnh vực: kế hoạch phát triển mạng lưới chợ; đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới chợ; kinh doanh khai thác và quản lý chợ; quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư; hoạt động kinh doanh tại chợ.
- Chợ được điều chỉnh trong Nghị định này là chợ mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư.
- Các loại hình hạ tầng thương mại khác không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này.
Các định nghĩa về chợ theo Nghị định mới ra sao?
Các định nghĩa được quy định tại Điều 2 Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ (Dự thảo 2) như sau:
- Phạm vi chợ: là khu vực được xác định dành cho hoạt động chợ, bao gồm diện tích để bố trí các điểm kinh doanh, khu vực dịch vụ bao gồm bãi để xe, kho hàng, khu ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác.
- Điểm kinh doanh tại chợ: bao gồm quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng chợ, có diện tích quy chuẩn tối thiểu là 3m2/điểm.
- Chợ đầu mối: là chợ có vai trò chủ yếu thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế hoặc của ngành hàng để tiếp tục phân phối tới các chợ và các kênh lưu thông khác, không có cư dân sinh sống.
- Chợ dân sinh: là chợ kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân, không có cư dân sinh sống.
- Chợ tạm: là chợ trong quy hoạch nhưng chưa được xây dựng kiên cố/bán kiên cố hoặc khu vực được kinh doanh tạm thời có sự cho phép của chính quyền địa phương.
- Chợ tự phát: là chợ không có/chưa có trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, định hướng phát triển của địa phương, không có sự quản lý, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền.
- Chợ nông thôn: là chợ dân sinh ở các vùng nông thôn thuộc khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn phường thuộc thị xã, quận và thành phố.
- Chợ đêm: là chợ được tổ chức tại khu vực, địa điểm được quy hoạch phát triển kinh tế đêm của địa phương, hoạt động từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau.
- Chợ di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc: là chợ có giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc tiêu biểu cần bảo tồn được quy định tại các quy định hiện hành.
- Chợ cộng đồng: là chợ được tổ chức ngoài trời, tại một địa điểm cố định, được cấp có thẩm quyền cho phép, phục vụ hoạt động mua sắm, dịch vụ ăn uống, giải trí của người dân địa phương, khách du lịch.
- Doanh nghiệp kinh doanh, quản lý chợ: là doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của pháp luật, được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc trúng thầu hoặc trúng đấu giá về kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.
- Hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ: là hợp tác xã được thành lập, đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của pháp luật, được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc trúng thầu hoặc trúng đấu giá về kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.
Chợ được phân loại như thế nào theo dự thảo mới của Chính phủ?
Các tiêu chí để phân loại chợ ra sao?
Các tiêu chí để phân loại chợ được quy định tại Điều 3 Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ (Dự thảo 2), cụ thể:
1. Chợ dân sinh
Chợ dân sinh được phân thành hạng 1 hoặc hạng 2 hoặc hạng 3 theo các tiêu chí quy định dưới đây. Việc phân hạng hoặc điều chỉnh phân hạng chợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Các chợ xây dựng trước khi Nghị định này có hiệu lực, không có điều kiện cải cải tạo, nâng cấp để đáp ứng các tiêu chí phân hạng dưới đây, được xem xét phân hạng theo số lượng điểm kinh doanh hiện có với diện tích được xác định theo quy định tại thời điểm chợ được xây dựng và đáp ứng các yêu cầu cơ bản về phòng chống cháy nổ, vệ sinh, an toàn thực phẩm.
- Chợ hạng 1:
+ Là chợ có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố theo quy hoạch;
+ Được đặt ở các vị trí trung tâm kinh tế thương mại quan trọng của tỉnh, thành phố hoặc là chợ đầu mối của ngành hàng, của khu vực kinh tế và được tổ chức họp thường xuyên;
+ Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ và tổ chức các hoạt động: trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, đo lường, kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và các hoạt động khác.
- Chợ hạng 2:
+ Là chợ có từ 200 điểm kinh doanh đến 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy hoạch;
+ Được đặt ở trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực và được tổ chức họp thường xuyên hay không thường xuyên;
+ Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động chợ và tổ chức các hoạt động tối thiểu sau: trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, đo lường, vệ sinh công cộng.
- Chợ hạng 3:
+ Là các chợ có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc các chợ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố;
+ Chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận.
2. Chợ đầu mối
- Tiêu chí chợ đầu mối:
+ Vị trí: Gần vùng nông sản hàng hóa tập trung với quy mô lớn hoặc gần trung tâm tiêu dùng, ngoại vi các đô thị lớn; gần đầu mối giao thông, kết nối thuận tiện với mạng lưới đường bộ, đường sông hoặc đường sắt; đảm bảo các quy định hiện hành về an ninh quốc phòng, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm và không gây tác động xấu tới môi trường;
+ Thiết kế kiến trúc và tổ chức không gian: theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan về thiết kế chợ, an toàn thực phẩm;
+ Quy mô: Diện tích mặt bằng chợ đầu mối căn cứ trên dung lượng thị trường, luân chuyển hàng hóa phục vụ cho phát triển lưu thông hàng hóa, sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu của tỉnh, khu vực hoặc cả nước. Diện tích mặt bằng nền chợ tối thiểu là 8.000m2 (đối với chợ cải tạo, nâng cấp đạt chuẩn chợ đầu mối) và tối thiểu 10.000 m2 (đối với chợ đầu mối xây mới) không kể diện tích dành cho khuôn viên, đường đi, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác;
+ Hạng mục công trình:
+ Các công trình thiết yếu: bãi giữ xe; hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải; địa điểm tập kết phế thải, phế liệu.
+ Các hạng mục yêu cầu kỹ thuật: về phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật.
+ Các hạng mục công trình chính của chợ đầu mối bao gồm: khu kinh doanh hàng hóa, nông sản, thực phẩm theo từng phân khu ngành hàng (gồm cả khu vực bán buôn và khu vực bán lẻ); khu trụ sở văn phòng; khu kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch (hàng hóa có nguồn gốc động thực vật được xuất nhập khẩu), truy suất và quản lý chất lượng; khu vực phân loại và sơ chế, gia công, bao bì, đóng gói hàng hóa nông sản; kho bãi tập kết nông sản; khu dịch vụ hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu.
- Phân loại:
+ Chợ đầu mối thu mua tại các vùng sản xuất hàng hóa, nông sản, thực phẩm tập trung, có tính chuyên canh, quy mô lớn và ổn định.
+ Chợ đầu mối bán buôn đa ngành hoặc chuyên ngành như rau củ quả, thủy hải sản, phạm vi hoạt động tối thiểu trong một tỉnh.
Tải về văn bản Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ tại đây.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.