Cách phúc khảo điểm thi ĐGNL 2024? Thời gian phúc khảo điểm thi ĐGNL 2024 trong vòng bao nhiêu ngày?
Cách phúc khảo điểm thi ĐGNL 2024? Thời gian khảo điểm thi ĐGNL 2024 trong vòng bao nhiêu ngày?
Ngày 15/04/2024, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Thông báo 32/ TB-HĐTĐGNL tại đây về việc chấm phúc khảo kỳ thi ĐGNL đợt 1 2024 như sau:
(1) Thí sinh có thể chọn một trong hai hình thức nộp đơn như sau:
Cách 1: Nộp đơn xin phúc khảo và lệ phí chấm phúc khảo trực tiếp tại trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo theo một trong các địa chỉ sau:
+ Phòng 403 nhà điều hành ĐHQG-HCM, phường Linh Trung, Thành phố Thủ Đức.
+ Số 546, Ngô Gia Tự, phường 9, Quận 5
Cách 2: Nộp bản scan đơn xin phúc khảo và hình ảnh biên lai nộp tiền lệ phí chấm phúc khảo trực tuyến qua email: thinangluc@vnuhcm.edu.vn
STK: 0381002668910
Tên tài khoản: TRUNG TÂM KHẢO THÍ VÀ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO.
Chi nhánh ngân hàng: Vietcombank Thủ Đức
Nội dung chuyển khoản: Số CMND/CCCD của thí sinh-Phúc khảo.
Lệ phí chấm phúc khảo: 100.000 đồng/bài thi.
(2) Thời gian nộp đơn phúc khảo: Từ ngày 16/04/2024-18/04/2024.
(3) Thời gian công bố kết quả: 03/05/2024
Cách phúc khảo điểm thi ĐGNL 2024? (Hình từ Internet)
Cơ cấu đề thi đánh giá năng lực năm 2024 được quy định như thế nào?
Tại Điều 13 Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định chung về cấu trúc đề thi như sau
Đề thi
1. Đề thi phải được xây dựng theo đề cương. Đề cương đề thi (bao gồm cấu trúc và dạng thức đề thi, phạm vi và tiêu chí đánh giá) phải thể hiện được yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để học tập thành công ở trình độ đào tạo. Đề cương đề thi phải được công bố cho thí sinh ít nhất 30 ngày trước ngày thi.
2. Cấu trúc đề thi đối với kỳ thi tuyển sinh hoặc kỳ thi độc lập phải chứa thành phần của nội dung môn toán hoặc môn ngữ văn cùng với ít nhất hai môn học khác trong chương trình cấp THPT phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực, ngành đào tạo; các nội dung đưa vào đề thi phải phù hợp với những quy định của pháp luật về giáo dục và văn hóa.
3. Phạm vi đánh giá của đề thi đối với kỳ thi tuyển sinh hoặc kỳ thi độc lập chủ yếu nằm trong nội dung của chương trình cấp THPT hiện hành; riêng phạm vi đánh giá của kỳ thi bổ trợ dựa trên yêu cầu về tài năng, năng khiếu hoặc phẩm chất đặc biệt của ngành, lĩnh vực đào tạo. Tiêu chí đánh giá phải dựa trên các cấp độ năng lực, tư duy; phân loại được năng lực của thí sinh, đáp ứng mức độ phù hợp của thí sinh đối với các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi tuyển sinh.
4. Đề thi được xây dựng dựa trên trích xuất ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn, hoặc được xây dựng mới theo quy trình bảo mật tuyệt đối. Trong trường hợp tổ chức nhiều đợt thi, hoặc một đợt thi có nhiều đề thi thì các đề thi phải bảo đảm tính tương đương. Câu hỏi thi phải được diễn đạt rõ ràng, không đa nghĩa.
5. Đề thi phải được một hội đồng ra đề thi chịu trách nhiệm xây dựng và phải được một hội đồng thẩm định đề thi chịu trách nhiệm thẩm định. Tổ chức và hoạt động của hội đồng ra đề thi và hội đồng thẩm định đề thi phải độc lập với nhau và độc lập với các nhóm xây dựng ngân hàng câu hỏi thi (nếu có).
Theo đó, tùy thuộc vào yêu cầu và mục tiêu tuyển dụng của từng trường sẽ có những cấu trúc bài thi đánh giá năng lực riêng khác nhau với số môn làm bài khác nhau.
Điển hình như cấu trúc bài thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM cho biết: Bài thi ĐGNL của ĐHQG-HCM được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Xét về cấu trúc, bài thi ĐGNL của ĐHQG-HCM tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở bài thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của bài thi TSA. Cụ thể, bài thi ĐGNL của ĐHQG-HCM đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.
Bài thi ĐGNL của ĐHQG-HCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút. Cấu trúc đề thi như sau:
Mục tiêu đánh giá | Số câu | Nội dung |
Phần 1. Sử dụng ngôn ngữ | ||
1.1. Tiếng Việt | 20 | Các câu hỏi, bài đọc đánh giá kiến thức văn học khả năng dùng từ, khả năng đọc hiểu, khả năng phân tích bài viết Tiếng Việt và Tiếng Anh |
1.2. Tiếng Anh | 20 | |
Phần 2. Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu | ||
2.1. Toán học | 10 | Các vấn đề về toán phổ thông. Các bài suy luận và xác định các quy luật logic. Các bài phân tích và chọn phương án trả lời tương ứng với từng bảng số liệu cho trước. |
2.2. Tư duy logic | 10 | |
2.3. Phân tích số liệu | 10 | |
Phần 3. Giải quyết vấn đề | ||
3.1. Vấn đề thuộc lĩnh vực hóa học | 10 | Những vấn đề liên quan đến kiến thức khoa học xã hội và tự nhiên |
3.2. Vấn đề thuộc lĩnh vực vật lý | 10 | |
3.3. Vấn đề thuộc lĩnh vực sinh học | 10 | |
3.4. Vấn đề thuộc lĩnh vực địa lý | 10 | |
3.5. Vấn đề thuộc lĩnh vực lịch sử, chính trị, xã hội | 10 | |
Tổng cộng | 120 |
Kết quả thi ĐGNL được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo Lý thuyết Ứng đáp Câu hỏi (Item Response Theory - IRT). Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần Sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.
Bên cạnh đó, việc xây dựng cấu trúc đề thi phải đảm bảo các tiêu chí tại Điều 13 Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.
Nguồn: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Cơ sở đào tạo có trách nhiệm gì trong tuyển sinh đại học?
Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có nêu rõ như sau:
Trách nhiệm của cơ sở đào tạo
1. Từ năm 2023 xây dựng quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa những quy định của Quy chế này cho các hình thức đào tạo, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.
2. Tổ chức tuyển sinh theo đề án và quy chế tuyển sinh đã ban hành, tuân thủ các quy định của Quy chế này và các quy định pháp luật hiện hành; thực hiện trách nhiệm giải trình với Bộ GDĐT, các cơ quan có thẩm quyền và xã hội về toàn bộ công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra nội bộ, chủ động giải quyết các rủi ro đã đưa ra trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo; giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan tới công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo theo quy định của Quy chế này và quy định của pháp luật có liên quan.
4. Cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học lên hệ thống chậm nhất 30 ngày sau khi thí sinh hoàn thành thủ tục nhập học; báo cáo những nội dung theo quy định của Quy chế này, báo cáo tình hình tuyển sinh và kết quả tuyển sinh theo yêu cầu của Bộ GDĐT.
5. Bảo quản, lưu trữ các tài liệu liên quan đến tuyển sinh trong suốt khóa đào tạo theo quy định của Luật Lưu trữ và các quy định về thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành giáo dục. Đối với cơ sở đào tạo tổ chức thi còn phải bảo quản danh sách phòng thi, bài thi của thí sinh, hồ sơ và kết quả chấm thi theo thời hạn quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GDĐT.
Theo đó, cơ sở đào tạo có trách nhiệm theo quy định trên trong tuyển sinh đại học.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.