Cách chuẩn đoán bệnh béo phì dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI- Body mass index) được hướng dẫn như thế nào?
Thực trạng bệnh béo phì ở Việt Nam như thế nào?
Căn cứ tại Mục 1 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2892/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y cho thấy thực trạng bệnh béo phì ở Việt Nam như sau:
Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Bệnh béo phì có sự thay đổi theo giới, tuổi, tình trạng kinh tế, xã hội, yếu tố chủng tộc. Tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhanh tại Việt Nam khoảng 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014 tương đương với tốc độ tăng trưởng 38%.
Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam trong thời gian từ 1975 – 2015 cho thấy tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 2,3% vào năm 1993 và tăng lên đáng kể 15% vào năm 2015, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%). Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây như ít vận động hơn, trong chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều mì ăn liền, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau và hải sản. Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tương tự với tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Rất đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Cách chuẩn đoán bệnh béo phì dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI- Body mass index) như thế nào?
Căn cứ tại tiểu mục 4.1 Mục 4 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2892/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y hướng dẫn cách chuẩn đoán bệnh béo phì dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI- Body mass index) như sau:
Chiều cao đứng: được đo bằng thước. Người được đo đứng thẳng trong tư thế thoải mái, mắt nhìn về phía trước, hai gót chân sát nhau chụm lại thành hình chữ V, đo một đường thẳng từ đỉnh đầu đến gót chân. Kết quả tính bằng đơn vị mét và sai số không quá 0,1 cm.
Trọng lượng cơ thể: Cân nặng: Người được đo mặc quần áo mỏng nhẹ, bỏ guốc dép và đứng lên cân theo đúng vị trí, chỉ số trên màn hình sẽ báo trọng lượng cơ thể. Đo trọng lượng cơ thể chính xác đến 0,1 kg. Đơn vị biểu thị trọng lượng: kg.
BMI (kg/m2) = Cân nặng (kg)/Chiều cao (m2)
Bảng 4.1. Đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì theo tiêu chuẩn của WHO áp dụng cho người Châu Á
BMI (kg/m2) | Phân loại |
< 18,5 | Thiếu cân |
18,5 – 22,9 | Bình thường |
23-24,9 | Thừa cân |
25 - 29,9 | Béo phì độ I |
≥ 30 | Béo phì độ II |
Cách chuẩn đoán bệnh báo phì dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI- Body mass index) được hướng dẫn như thế nào? (Hình từ Internet)
Sử dụng thuốc điều trị béo phì cần lưu ý gì?
Căn cứ tại tiểu mục 6.2 Mục 6 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2892/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y quy định một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị béo phì như sau:
- Các yếu tố cần xem xét để quyết định lựa chọn loại thuốc phù hợp cho người thừa cân hoặc béo phì:
+ Nguyên nhân gây bệnh.
+ Yếu tố tâm lý xã hội, cảm xúc và ý thích góp phần vào tình trạng béo phì: nên được chẩn đoán và xử trí nếu có thể.
+ Cơ chế tác dụng, tác dụng phụ, bất lợi, tính an toàn và khả năng dung nạp của mỗi thuốc phải được xem xét trong bối cảnh bệnh đồng mắc và các thuốc hiện đang điều trị của người bệnh.
+ Chi phí thuốc cũng như đường dùng (uống hay tiêm dưới da) và tần suất sử dụng có thể là rào cản cho sự tuân trị: cần được thảo luận.
+ Rà soát những thuốc đang dùng có thể là tác nhân làm tăng cân: xem xét dùng thuốc thay thế nếu phù hợp.
- Nếu không đạt được tình trạng giảm cân có ý nghĩa lâm sàng với thuốc: cần đánh giá lại những yếu tố khác góp phần dẫn đến thất bại của việc dùng thuốc, bao gồm:
+ Liều dùng không phù hợp hoặc không tuân trị
+ Những rào cản của việc thay đổi hành vi sức khỏe
+ Những vấn đề về tâm lý xã hội hoặc y tế
- Mỗi cá nhân đáp ứng điều trị khác nhau với từng loại thuốc. Cân nhắc thay đổi thuốc hoặc liệu pháp điều trị béo phì khác nếu không đạt được hiệu quả giảm cân trên lâm sàng đáng kể sau ba tháng dùng liều đủ/tối đa, dung nạp được và không có bằng chứng về nguyên nhân khác gây thất bại.
- Khuyến cáo ngưng thuốc điều trị béo phì nếu không đạt được giảm ≥ 5% cân nặng sau ba tháng dùng liều điều trị. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể được sử dụng để duy trì sự giảm cân đạt được bằng một liệu pháp thay đổi hành vi sức khỏe trước đó hoặc một chế độ ăn năng lượng rất thấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.