Biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu là gì? Có quy định trường hợp ngoại lệ đối với việc áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hay không?
Biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu là gì?
Căn cứ Điều 15 Luật Quản lý ngoại thương 2017 biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu được quy định như sau:
Biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu
1. Hạn chế xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng nhằm hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu, cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa, quyền xuất khẩu hàng hóa của thương nhân.
2. Hạn chế nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng nhằm hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu, cửa khẩu nhập khẩu hàng hóa, quyền nhập khẩu hàng hóa của thương nhân.
Theo đó, biện pháp hạn chế xuất khẩu được áp dụng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho rằng cần thiết hướng đến mục đích hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa từ Việt Nam xuất đi nước khác và hạn chế số cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa, quyền xuất khẩu hàng hóa của thương nhân.
Còn biện pháp hạn chế nhập khẩu được áp dụng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho rằng cần thiết hướng đến mục địch hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và hạn chế số cửa khẩu nhập khẩu hàng hóa, quyền nhập khẩu hàng hóa của thương nhân.
Việc áp dụng hai biện pháp này chỉ có thể được cơ quan quyền lực nhà nước thực hiện.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện hai biện pháp này các bên có liên quan phải đảm bảo thực hiện theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là những thỏa thuận về việc không phân biệt đối xử và tự do thương mại theo Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT 1994.
Biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu là gì? Có quy định trường hợp ngoại lệ đối với việc áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hay không? (Hình từ Internet)
Có quy định trường hợp ngoại lệ đối với việc áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hay không?
Căn cứ Điều 16 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định các trường hợp ngoại lệ đối với việc áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu như sau:
Các trường hợp ngoại lệ
1. Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu quy định tại Mục này không vì mục đích thương mại được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu quy định tại Mục này đối với khu vực hải quan riêng được thực hiện theo quy định tại Mục 8 Chương này.
Như vậy, khi hàng hóa bị hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu nhưng không thuộc trường hợp nhập khẩu, xuất khẩu không vì mục đích thương mại thì được thực hiện theo các quy định pháp luật có liên quan.
Còn đối với trường hợp hàng hóa bị hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu nhưng lại được quy định thuộc phạm vi quản lý tại khu vực hải quan riêng thì hàng hóa này được áp dụng theo các quy định tại khu vực hải quan riêng.
Hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu có được WTO chấp thuận hay không?
Căn cứ Điều XI Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT 1994 có quy định như sau:
Triệt tiêu chung các hạn chế định lượng
1. Không một sự cấm hay hạn chế nào khác ngoại trừ thuế quan và các khoản thu khác, dù mang hình thức hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu hay xuất khẩu hoặc các biện pháp khác sẽ được bất cứ một bên ký kết nào định ra hay duy trì nhằm vào việc nhập khẩu từ lãnh thổ của bất kỳ bên ký kết nào hay nhằm vào việc xuất khẩu hay bán hàng để xuất khẩu đến lãnh thổ của bất kỳ bên ký kết nào.
2. Các quy định của khoản 1 trong điều khoản này sẽ không được áp dụng với các trường hợp dưới đây:
(a) Cấm hay hạn chế xuất khẩu tạm thời áp dụng nhằm ngăn ngừa hay khắc phục sự khan hiếm trầm trọng về lương thực hay các sản phẩm khác mang tính trọng yếu đối với với Bên ký kết đang xuất khẩu;
(b) Cấm hay hạn chế xuất khẩu cần thiết để áp dụng các tiêu chuẩn hay quy chế về phân loại, xếp hạng hay tiếp thị các sản phẩm trên thị trường quốc tế;
(c) Hạn chế nhập khẩu nông sản hay thuỷ sản dù nhập khẩu dưới bất cứ hình thức nào nhằm triển khai các biện pháp của chính phủ được áp dụng:
(i) để hạn chế số lượng các sản phẩm nội địa tương tự được phép tiêu thụ trên thị trường hay sản xuất, hoặc là nếu không có một nền sản xuất trong nước đáng kể, thì để hạn chế số lượng một sản phẩm nội địa có thể bị sản phẩm nhập khẩu trực tiếp thay thế; hoặc
(ii) để loại trừ tình trạng dư thừa một sản phẩm nội địa tương tự, hoặc nếu không có nền sản xuất một sản phẩm nội địa tương tự, để loại trừ tình trạng dư thừa một sản phẩm nhập khẩu trực tiếp thay thế, bằng cách đem số lượng dư thừa để phục vụ một nhóm người tiêu dùng miễn phí hay giảm giá dưới giá thị trường; hoặc
(iii) để hạn chế số lượng cho phép sản xuất với một súc sản mà việc sản xuất lại phụ thuộc trực tiếp một phần hay toàn bộ vào một mặt hàng nhập khẩu, nếu sản xuất mặt hàng đó trong nước tương đối nhỏ.
Bất cứ một bên ký kết nào khi áp dụng hạn chế nhập khẩu bất cứ một sản phẩm nào theo nội dung điểm (c) của khoản này sẽ công bố tổng khối lượng hay tổng trị giá của sản phẩm được phép nhập khẩu trong một thời kỳ nhất định trong tương lai và mọi thay đổi về số lượng hay trị giá nói trên. Hơn thế nữa, bất cứ sự hạn chế nào được áp dụng theo nội dung mục (i) nói trên cũng không nhằm hạn chế tổng khối lượng nhập khẩu trong tương quan với tổng khối lượng được sản xuất trong nước, so với tỷ trọng hợp lý có thể có trong điều kiện không có hạn chế. Khi xác định tỷ trọng này bên ký kết đó cần quan tâm đúng mức tới tỷ trọng đã có trong một thời gian đại diện trước đó hay quan tâm tới một nhân tố riêng biệt nào đó có thể đã hay đang ảnh hưởng tới sản phẩm liên quan.
Như vậy, về nguyên tắc chung mọi sự hạn chế định lượng làm cản trở tự do thương mại đều phải được triệt tiêu, tuy nhiên WTO vẫn cho phép áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu trong một số trường hợp nhất định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.