Hiệu trưởng trường tiểu học công lập có thẩm quyền thành lập hội đồng trường của trường tiểu học không?
Hiệu trưởng trường tiểu học có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào?
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 11 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng trường tiểu học công lập như sau:
- Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền.
- Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật, hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan quản lý giáo dục; xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên; động viên và tạo điều kiện cho giáo viên và nhân viên tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục; thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên, nhân viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển, sắp xếp giáo viên; tổ chức các bước giới thiệu nhân sự đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng.
- Quản lý, tiếp nhận học sinh, cho phép học sinh chuyển trường; quyết định kỉ luật, khen thưởng học sinh; phê duyệt kết quả đánh giá học sinh, danh sách học sinh lên lớp, lưu ban; tổ chức kiểm tra công nhận việc hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh trong nhà trường và các đối tượng khác trên địa bàn trường phụ trách.
- Tổ chức triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sách giáo khoa, nội dung giáo dục của địa phương theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thực hiện quản lý, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý. Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia giảng dạy theo quy định về định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng.
- Quản lý hành chính; quản lý và tự chủ trong việc sử dụng các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường theo quy định.
- Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện xã hội hoá giáo dục, phối hợp tổ chức, huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia hoạt động giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng xã hội.
- Xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo quy định của Pháp luật.
- Được hưởng chế độ phụ cấp đối với nhà giáo và các chính sách ưu đãi theo quy định.
Hiệu trưởng trường tiểu học công lập
Hiệu trường trường tiểu học có thẩm quyền thành lập hội đồng trường công lập không?
Theo điểm e khoản 1 Điều 10 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về thủ tục thành lập Hội đồng trường của trường tiểu học công lập như sau:
Căn cứ vào quy định về thành phần của hội đồng trường, hiệu trưởng tổng hợp danh sách nhân sự do tập thể giáo viên và các tổ chức, đoàn thể nhà trường giới thiệu, trình đề nghị chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập hội đồng trường. Chủ tịch hội đồng trường là thành viên trong nhà trường và do các thành viên của hội đồng bầu; phó chủ tịch và thư kí hội đồng do chủ tịch hội đồng chỉ định. Nhiệm kì của hội đồng trường là 05 năm, trong trường hợp có sự thay đổi về nhân sự, hiệu trưởng làm văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định bổ sung, kiện toàn hội đồng trường.
Tuy nhiên tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 27/2018/NĐ-CP quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quy định như sau:
Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng trường, công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường, bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng trường các cơ sở giáo dục công lập; công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, phó chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo tiêu chuẩn chức danh và thủ tục do pháp luật quy định.
Và tại điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định 127/2018/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo như sau:
Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định:
Thành lập hội đồng trường, công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường, bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng trường các cơ sở giáo dục công lập; công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, phó chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thuộc quyền quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo tiêu chuẩn chức danh và thủ tục do pháp luật quy định.
Theo đó, dựa vào nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì:
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Như vậy, căn cứ các quy định trên, ta thấy thẩm quyền thành lập hội đồng trường của trường tiểu học công lập thuộc vè Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Hiệu trưởng trường tiểu học công lập có trách nhiệm như thế nào trong hoạt động của hội đồng trường?
Theo điểm d khoản 1 Điều 10 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về hoạt động của Hội đồng trường của trường công lập như sau:
Hội đồng trường họp thường kì ít nhất ba lần trong một năm. Trong trường hợp cần thiết, khi hiệu trưởng hoặc ít nhất một phần ba số thành viên hội đồng trường đề nghị, chủ tịch hội đồng trường có quyền triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường. Chủ tịch hội đồng trường có thể mời đại diện chính quyền và đoàn thể địa phương tham dự cuộc họp của hội đồng trường khi cần thiết.
Phiên họp hội đồng trường được công nhận là hợp lệ khi có mặt từ ba phần tư số thành viên của hội đồng trở lên (trong đó có chủ tịch hội đồng). Quyết nghị của hội đồng trường được thông qua và có hiệu lực khi được ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt nhất trí. Quyết nghị của hội đồng trường được công bố công khai.
Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm thực hiện các quyết nghị hoặc kết luận của hội đồng trường về những nội dung được quy định tại điểm c khoản 1 của Điều này. Nếu hiệu trưởng không nhất trí với quyết nghị của hội đồng trường thì phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp của trường. Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, hiệu trưởng vẫn phải thực hiện theo quyết nghị của hội đồng trường đối với các vấn đề không trái với pháp luật hiện hành và Điều lệ này.
Ta thấy, hiệu trưởng trường tiểu học công lập có trách nhiệm thực hiện các quyết nghị hoặc kết luận của hội đồng trường về những nội dung thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường.
Như vậy, hiệu trưởng trường tiểu học công lập có nhiệm vụ và quyền hạn đối với hoạt động của nhà trường và cả với hoạt động của hội đồng trường theo quy định. Việc thành lập hội đồng trường của trường tiểu học công lập thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.