Hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được xử lý như thế nào?
- Trường hợp vợ chồng cùng đồng ý và có yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết như thế nào?
- Hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được xử lý như thế nào?
- Con chung và tài sản chung của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn giải quyết như thế nào?
- Chi phí yêu cầu Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng là bao nhiêu theo quy định mới nhất hiện nay?
Trường hợp vợ chồng cùng đồng ý và có yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết như thế nào?
Tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định thuận tình ly hôn như sau:
"Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn."
Theo đó, trong trường hợp cả vợ và chồng cùng đồng ý và có yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì vợ chồng bạn chung sống với nhau từ năm 2015, đã có con chung nhưng chưa đăng ký kết hôn nên trường hợp của bạn được xem là nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Không đăng ký kết hôn
Hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được xử lý như thế nào?
Theo Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn:
"1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn."
Theo khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định:
"2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này."
Theo đó, trường hợp của vợ chồng bạn có đủ điều kiện kết hôn theo quy định, chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Như vậy, đến thời điểm hiện tại mà vợ chồng bạn không có đăng kí kết hôn thì hai bạn không được coi là vợ chồng hợp pháp và không cần làm thủ tục ly hôn tại tòa án. Tuy nhiên, vì hai bạn đã có con chung, nên khi không muốn tiếp tục chung sống với nhau nữa, bạn cũng có thể làm đơn yêu cầu Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng và giải quyết quyền nuôi con theo quy định.
Con chung và tài sản chung của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn giải quyết như thế nào?
Theo Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
"Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con."
Tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:
"1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập."
Theo đó, việc giải quyết tài sản chung sẽ ưu tiên sự thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không thỏa thuận được thì một trong các bên có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Khi đó, tòa sẽ căn cứ công sức đóng góp của mỗi bên đối với phần tài sản chung để phân chia hợp lý.
Về con chung, vợ chồng bạn có thể thỏa thuận với nhau để một người nuôi con là người trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc con và người còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu không thể thỏa thuận được vấn đề này thì bạn có thể có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Vì bé dưới 7 tuổi, tòa án sẽ căn cứ quyền lợi của con và điều kiện của các bên để đưa ra quyết định trao quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con cho ai.
Chi phí yêu cầu Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng là bao nhiêu theo quy định mới nhất hiện nay?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định:
"2. Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể."
Tại số 1.1, mục II Danh mục án phí, lệ phí Tòa án Ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định:
"Mức thu án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch là 300.000 đồng."
Như vậy, án phí dân sự sơ thẩm yêu cầu không công nhận vợ chồng là 300.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.