Hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép về tài nguyên nước bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải có nghĩa vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Tài nguyên nước 2023 thì cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải có những nghĩa vụ sau:
- Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Sử dụng nước đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và an toàn;
- Không gây cản trở hoặc làm thiệt hại đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
- Bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng;
- Thực hiện nghĩa vụ về tài chính; bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;
- Cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, nghiên cứu khoa học và công nghệ về tài nguyên nước;
- Khi điều chỉnh, bổ sung quy mô khai thác, mục đích sử dụng tài nguyên nước thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp không phải đăng ký, cấp phép theo quy định tại Điều 52 của Luật này;
- Cắt, giảm hoặc tăng lượng nước khai thác hoặc điều chỉnh chế độ vận hành, khai thác nước của công trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tuân thủ hạn ngạch khai thác tài nguyên nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước quy định;
- Thực hiện đúng các nội dung quy định trong giấy phép khai thác tài nguyên nước.
Hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép về tài nguyên nước bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền? (Hình từ internet)
Hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép về tài nguyên nước bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) quy định như sau:
Vi phạm quy định về chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép về tài nguyên nước
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại giấy phép đã bị sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp.
Và căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) quy định về mức phạt tiền như sau:
Áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính
1. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo quy định trên thì hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép về tài nguyên nước có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn bị buộc phải nộp lại giấy phép đã bị sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm trên.
Tuy nhiên, mức phạt tiền được quy định ở trên là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Nếu tổ chức có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép về tài nguyên nước là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5a Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được được bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, các hành vi vi phạm đã kết thúc, các hành vi vi phạm đang thực hiện trong lĩnh vực tài nguyên nước
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 02 năm.
2. Các hành vi vi phạm được xác định là đã kết thúc và thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm:
Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là thời điểm tổ chức, cá nhân kết thúc thời hạn báo cáo, thông báo, kê khai, nộp hồ sơ hoặc công khai, lấy ý kiến theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm sau đây:
a) Các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 6 về vi phạm các quy định về điều kiện năng lực thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước;
b) Hành vi không báo cáo kết quả quan trắc, giám sát cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 8;
c) Hành vi không cung cấp đầy đủ và trung thực các dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước tại khu vực thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 10;
....
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép về tài nguyên nước là 02 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.