Hãng hàng không có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra trong tất cả trường hợp vận chuyển hàng không bị chậm?
- Hãng hàng không có nghĩa vụ gì đối với hành khách trong trường hợp vận chuyển bị chậm?
- Hãng hàng không có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra trong tất cả trường hợp vận chuyển bị chậm?
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của hãng hàng không đối với hành khách trong trường hợp vận chuyển bị chậm được quy định ra sao?
Hãng hàng không có nghĩa vụ gì đối với hành khách trong trường hợp vận chuyển bị chậm?
Hãng hàng không có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra trong tất cả trường hợp vận chuyển bị chậm? (Hình từ Internet)
Theo Điều 8 Thông tư 81/2014/TT-BGTVT (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 21/2020/TT-BGTVT) quy định như sau:
Nghĩa vụ tối thiểu của hãng hàng không đối với hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay trong trường hợp vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm, chuyến bay bị hủy, khởi hành sớm, hành khách bị từ chối vận chuyển
1. Chuyến bay bị chậm là chuyến bay có giờ khởi hành thực tế (tính từ thời điểm rút chèn tàu bay) muộn hơn 15 phút so với thời gian dự kiến cất cánh theo lịch bay căn cứ. Lịch bay căn cứ là phiên bản cuối cùng lịch bay ngày của hãng hàng không được cập nhật tới Cục Hàng không Việt Nam, các Cảng vụ hàng không, các Công ty Quản lý bay khu vực liên quan không muộn hơn 22h00 giờ Hà Nội (15h00 UTC) của ngày hôm trước ngày khai thác.
2. Trong trường hợp chuyến bay bị chậm, hãng hàng không có nghĩa vụ:
a) Cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách theo phương thức thích hợp; phục vụ ăn, uống; bố trí nơi nghỉ, ngủ phù hợp theo quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;
b) Chuyển đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác: đối với chuyến bay chậm từ 02 giờ trở lên, trong phạm vi cung cấp dịch vụ vận chuyển của hãng hàng không, phải thực hiện việc chuyển đổi hành trình để hành khách tới được điểm cuối của hành trình, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu liên quan (nếu có) cho hành khách;
c) Bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay trong trường hợp các chuyến bay chậm kéo dài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;
d) Hoàn trả tiền vé cho hành khách: trong trường hợp chuyến bay chậm từ 05 giờ trở lên, hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách tại cảng hàng không hoặc tại các văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đại lý bán vé do hãng hàng không chỉ định. Việc hoàn vé cho hành khách được quy định như sau:
(i) Miễn trừ điều kiện hạn chế về hoàn vé và phí hoàn vé (nếu có);
(ii) Vé hoàn toàn chưa được sử dụng, khoản chi hoàn sẽ bằng số tiền vé mà hành khách đã trả; tiền vé bao gồm các khoản: giá dịch vụ vận chuyển; các khoản thuế, phí do Nhà nước quy định, giá dịch vụ soi chiếu an ninh, giá phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay mà hãng hàng không thu hộ; và các khoản phụ thu khác có liên quan theo hóa đơn hợp pháp do hành khách cung cấp;
(iii) Vé đã được sử dụng một phần, khoản chi hoàn sẽ không thấp hơn chênh lệch giữa tiền vé đã trả và tiền vé, các dịch vụ khác đã sử dụng cho hành trình của hành khách.
…
Theo đó, khoản 2 Điều 8 Thông tư 81/2014/TT-BGTVT trên đây quy định những nghĩa vụ tối thiểu mà hãng hàng không cần thực hiện đối với hành khách trong trường hợp vận chuyển hàng không bị chậm, cụ thể như sau:
+ Cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách theo phương thức thích hợp; phục vụ ăn, uống; bố trí nơi nghỉ, ngủ phù hợp theo quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;
+ Chuyển đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác: đối với chuyến bay chậm từ 02 giờ trở lên, trong phạm vi cung cấp dịch vụ vận chuyển của hãng hàng không, phải thực hiện việc chuyển đổi hành trình để hành khách tới được điểm cuối của hành trình, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu liên quan (nếu có) cho hành khách;
+ Bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay trong trường hợp các chuyến bay chậm kéo dài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;
+ Hoàn trả tiền vé cho hành khách: trong trường hợp chuyến bay chậm từ 05 giờ trở lên, hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách tại cảng hàng không hoặc tại các văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đại lý bán vé do hãng hàng không chỉ định.
Hãng hàng không có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra trong tất cả trường hợp vận chuyển bị chậm?
Theo Điều 163 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định như sau:
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển
Người vận chuyển phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe của hành khách, việc mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa, hành lý và do vận chuyển chậm hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm khác đến mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển quy định tại Điều 166 của Luật này.
Theo Điều 164 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định như sau:
Bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm
1. Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do vận chuyển chậm, trừ trường hợp chứng minh được mình, nhân viên và đại lý của mình không thể áp dụng hoặc đã áp dụng mọi biện pháp để tránh thiệt hại nhưng thiệt hại vẫn xảy ra.
2. Việc bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm không vượt quá mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 166 của Luật này.
Theo đó, hãng hàng không không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra trong tất cả trường hợp vận chuyển hàng không bị chậm nếu hãng hàng không chứng minh được họ, nhân viên và đại lý của họ không thể áp dụng hoặc đã áp dụng mọi biện pháp để tránh thiệt hại nhưng thiệt hại vẫn xảy ra.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của hãng hàng không đối với hành khách trong trường hợp vận chuyển bị chậm được quy định ra sao?
Theo khoản 1 Điều 166 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định hãng hàng không được hưởng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển
1. Người vận chuyển được hưởng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
a) Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là một trăm nghìn đơn vị tính toán cho mỗi hành khách;
b) Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm là bốn nghìn một trăm năm mươi đơn vị tính toán cho mỗi hành khách;
….
Tuy nhiên, theo khoản 6 Điều 166 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều này.
Dẫn chiếu theo Điều 3 Nghị định 97/2020/NĐ-CP hướng dẫn khoản 6 Điều 166 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định như sau:
Tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không quy định tại khoản 1 Điều 166 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006
1. Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách tăng từ một trăm nghìn (100.000) đơn vị tính toán lên thành một trăm hai mươi tám nghìn tám trăm hai mươi mốt (128.821) đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.
2. Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm tăng từ bốn nghìn một trăm năm mươi (4.150) đơn vị tính toán lên thành năm nghìn ba trăm bốn mươi sáu (5.346) đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.
…
Theo đó, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của hãng hàng không đối với trường hợp vận chuyển hành khách do vận chuyển chậm là thành năm nghìn ba trăm bốn mươi sáu (5.346) đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.
Lưu ý: Đơn vị tính toán là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định và được quy ước là Quyền rút vốn đặc biệt. Đơn vị tính toán được chuyển đổi sang Đồng Việt Nam theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.