Dự án BOT nhà máy nhiệt điện là gì? Biên bản ghi nhớ phát triển Dự án BOT nhà máy nhiệt điện gồm những nội dung gì?
Dự án BOT nhà máy nhiệt điện là gì?
Dự án BOT nhà máy nhiệt điện được giải thích tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 23/2015/TT-BCT như sau:
Giải thích từ ngữ
1. Hợp đồng BOT là hợp đồng được ký giữa Bộ Công Thương và chủ đầu tư BOT để xây dựng nhà máy nhiệt điện trên lãnh thổ Việt Nam; sau khi hoàn thành nhà máy, chủ đầu tư được quyền kinh doanh nhà máy trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, chủ đầu tư chuyển giao cho Bộ Công Thương.
2. Dự án BOT nhà máy nhiệt điện (sau đây gọi tắt là Dự án BOT NMNĐ) là dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
3. Nhà đầu tư BOT là các tổ chức, cá nhân có văn bản chính thức bày tỏ sự quan tâm, tham gia góp vốn phát triển dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
4. Chủ đầu tư BOT là nhà đầu tư BOT đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao phát triển Dự án BOT NMNĐ.
5. Doanh nghiệp BOT là doanh nghiệp do Chủ đầu tư BOT thành lập để thực hiện Dự án BOT NMNĐ.
6. Nhà thầu EPC là nhà thầu thực hiện gói thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp Dự án BOT NMNĐ.
…
Như vậy, theo quy định trên thì Dự án BOT nhà máy nhiệt điện là dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự án BOT nhà máy nhiệt điện (Hình từ Internet)
Dự án BOT nhà máy nhiệt điện nào được chỉ định Chủ đầu tư BOT?
Dự án BOT nhà máy nhiệt điện nào được chỉ định Chủ đầu tư BOT, thì theo quy định tại Điều 5 Thông tư 23/2015/TT-BCT như sau:
Chỉ định Chủ đầu tư BOT áp dụng cho các trường hợp sau:
1. Các dự án thuộc danh mục của QHĐLQG được Thủ tướng Chính phủ chỉ định Chủ đầu tư BOT;
2. Dự án thuộc danh mục của QHĐLQG chỉ có một Nhà đầu tư BOT đăng ký tham gia và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chỉ định Chủ đầu tư BOT;
3. Dự án do Nhà đầu tư BOT đề xuất, không thuộc danh mục của QHĐLQG và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Như vậy, theo quy định trên thì dự án BOT nhà máy nhiệt điện nào được chỉ định Chủ đầu tư BOT gồm:
- Các dự án thuộc danh mục của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ chỉ định Chủ đầu tư BOT;
- Dự án thuộc danh mục của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia chỉ có một Nhà đầu tư BOT đăng ký tham gia và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chỉ định Chủ đầu tư BOT;
- Dự án do Nhà đầu tư BOT đề xuất, không thuộc danh mục của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Biên bản ghi nhớ phát triển Dự án BOT nhà máy nhiệt điện gồm những nội dung gì?
Biên bản ghi nhớ phát triển Dự án BOT nhà máy nhiệt điện gồm những nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 23/2015/TT-BCT như sau:
Biên bản ghi nhớ và kế hoạch triển khai dự án
1. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao Chủ đầu tư BOT phát triển Dự án BOT NMNĐ, Tổng cục Năng lượng gửi dự thảo MOU và hướng dẫn Chủ đầu tư BOT chuẩn bị đàm phán, ký kết MOU. Nội dung MOU bao gồm:
a) Cơ sở pháp lý;
b) Mô tả chung về Dự án BOT NMNĐ;
c) Vai trò, trách nhiệm của Chủ đầu tư BOT;
d) Vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương;
đ) Tiến độ tổng thể phát triển Dự án BOT NMNĐ;
e) Thời hạn hiệu lực của MOU;
g) Trách nhiệm của Chủ đầu tư BOT đối với chi phí phát triển dự án; thanh toán chi phí lập FS, chi phí thẩm định FS dự án; chi phí thuê Tư vấn pháp lý hỗ trợ phía Việt Nam trong quá trình đàm phán và triển khai dự án.
2. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ khi nhận được dự thảo MOU, Chủ đầu tư BOT phải có ý kiến về dự thảo và kế hoạch đàm phán MOU.
3. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến chính thức bằng văn bản của Chủ đầu tư BOT, Tổng cục Năng lượng tổ chức đàm phán MOU. Quá trình đàm phán MOU không được kéo dài quá 30 ngày.
Sau khi thống nhất các nội dung của MOU, Tổng cục Năng lượng trình Bộ trưởng Bộ Công Thương thông qua để tổ chức lễ ký MOU.
4. Việc ký kết MOU được thực hiện giữa đại diện Bộ Công Thương với đại diện hợp pháp của Chủ đầu tư.
5. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày ký MOU, Chủ đầu tư BOT phải lập kế hoạch chi tiết triển khai dự án gửi Tổng cục Năng lượng để xem xét, thống nhất.
6. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kế hoạch chi tiết, Tổng cục Năng lượng có ý kiến trả lời bằng văn bản.
7. Nội dung kế hoạch chi tiết triển khai dự án bao gồm:
a) Lập và phê duyệt Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực (nếu có): Ngày trình Quy hoạch; ngày phê duyệt Quy hoạch;
b) Lập và phê duyệt FS, bao gồm: Ngày trình FS; ngày phê duyệt FS;
c) Kế hoạch đàm phán Hợp đồng BOT và các tài liệu liên quan, bao gồm: ngày đàm phán PA; ngày ký PA; ngày dự kiến bắt đầu đàm phán vòng 1; ngày dự kiến kết thúc đàm phán vòng 1; ngày dự kiến bắt đầu đàm phán vòng 2; ngày dự kiến kết thúc đàm phán vòng 2; lịch trình đàm phán các tài liệu liên quan: PPA, LLA, Hợp đồng gói thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp dự án và các hợp đồng cung cấp nhiên liệu; ngày ký kết thỏa thuận đầu tư; ngày nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; ngày ký chính thức các tài liệu Hợp đồng BOT;
d) Ngày đóng tài chính;
đ) Khởi công và xây dựng, bao gồm: Ngày khởi công chính thức dự án; ngày vận hành thương mại từng tổ máy; ngày vận hành thương mại toàn bộ nhà máy.
Như vậy, theo quy định trên thì biên bản ghi nhớ phát triển Dự án BOT nhà máy nhiệt điện gồm những nội dung sau:
- Cơ sở pháp lý;
- Mô tả chung về Dự án BOT nhà máy nhiệt điện;
- Vai trò, trách nhiệm của Chủ đầu tư BOT;
- Vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương;
- Tiến độ tổng thể phát triển Dự án BOT nhà máy nhiệt điện;
- Thời hạn hiệu lực của biên bản ghi nhớ phát triển Dự án BOT nhà máy nhiệt điện;
- Trách nhiệm của Chủ đầu tư BOT đối với chi phí phát triển dự án; thanh toán chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chi phí thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; chi phí thuê Tư vấn pháp lý hỗ trợ phía Việt Nam trong quá trình đàm phán và triển khai dự án.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.