Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ có được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện toàn bộ chu trình sản xuất hay không?
Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ có được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện toàn bộ chu trình sản xuất hay không?
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 109/2018/NĐ-CP, Nhà nước ưu tiên áp dụng các chính sách đã ban hành cho phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung cụ thể như sau:
"Điều 16. Ưu tiên áp dụng các chính sách đã ban hành cho phát triển nông nghiệp hữu cơ
1. Ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc.
2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành:
a) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
b) Chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn;
c) Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch;
d) Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong nuôi trồng, khai thác dược liệu;
đ) Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu;
e) Chính sách hỗ trợ gắn Nhãn xanh Việt Nam, hỗ trợ cơ sở thân thiện với môi trường;
g) Các chính sách có liên quan khác;
h) Trong cùng thời điểm và mục tiêu, cơ sở chỉ được lựa chọn 01 chính sách phù hợp nhất quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g Khoản này.
3. Nội dung, định mức hỗ trợ; điều kiện hỗ trợ; nguồn vốn và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện theo các văn bản đã được ban hành đối với các chính sách hỗ trợ nêu tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này."
Cụ thể, một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ được quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 109/2018/NĐ-CP cụ thể như sau:
"Điều 17. Một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ
1. Nội dung, định mức hỗ trợ:
a) Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại);
c) Hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ: định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông;
d) Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN: định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông."
Như vậy, đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ, Nhà nước chỉ quy định nội dung hỗ trợ và định mức hỗ trợ trong một số khâu liên quan, không áp dụng đối với toàn bộ chu trình sản xuất, cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 17 nêu trên.
Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ có được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện toàn bộ chu trình sản xuất hay không?
Nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ được lấy từ đâu?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 109/2018/NĐ-CP,nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ gồm:
"2. Nguồn kinh phí thực hiện:
a) Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành;
b) Lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác đang triển khai thực hiện;
c) Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
d) Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật."
Áp dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ dựa trên nguyên tắc nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 109/2018/NĐ-CP, nguyên tắc hỗ trợ sản xuất sản phẩm hữu cơ đối với doanh nghiệp được quy định như sau:
"3. Nguyên tắc hỗ trợ
a) Ngân sách trung ương hỗ trợ các dự án thuộc nhiệm vụ chi của trung ương và do cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương phê duyệt. Mức hỗ trợ cụ thể thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các quy định hiện hành có liên quan trên cơ sở cân đối nguồn lực tài chính và chính sách phát triển trong từng thời kỳ. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần các địa phương khó khăn chưa tự cân đối ngân sách theo khả năng cân đối của ngân sách trung ương;
b) Ngân sách địa phương hỗ trợ các dự án thuộc nhiệm vụ chi của địa phương và do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn được ủy quyền phê duyệt và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ tại địa phương theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này. Trường hợp cần thiết, tùy theo điều kiện thực tế, trên cơ sở cân đối nguồn lực tài chính của ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định ban hành chính sách hỗ trợ bổ sung ngoài các chính sách quy định tại Nghị định này;
c) Đối với dự án có sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại áp dụng theo nội dung, mức hỗ trợ của nhà tài trợ quy định tại thỏa thuận tài trợ hoặc áp dụng theo mức hỗ trợ do đại diện nhà tài trợ, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản dự án thống nhất; trường hợp đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thỏa thuận về mức hỗ trợ thì áp dụng theo mức hỗ trợ quy định tại Nghị định này."
Như vậy, Nhà nước quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung và áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ nói chung, cụ thể thông qua các quy định về nội dung và mức hỗ trợ, nguyên tắc hỗ trợ cũng như nguồn kinh phí hỗ trợ, cụ thể như các quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.