Doanh nghiệp đang giải thể có chịu trách nhiệm vi phạm hành chính vì tội trốn thuế, gian lận thuế không? Hành vi trốn thuế, gian lận thuế chịu trách nhiệm gì?
Hành vi trốn thuế, gian lận thuế chịu trách nhiệm gì?
Người nào có hành vi trốn thuế, gian lận thuế được pháp luật quy định xử phạt chặt chẽ tại các điều khoản sau:
Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi trốn thuế, gian lận thuế như sau:
1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này;
c) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;
d) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;
đ) Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;
e) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;
g) Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định này.
2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.
4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.
5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
Như vậy, nếu phát hiện có hành vi trốn thuế, gian lận thuế sẽ chịu xử phạt vi phạm hành chính theo các điều khoản nêu trên.
Doanh nghiệp đang giải thế có chịu trách nhiệm vi phạm hành chính vì tội trốn thuế không?
Doanh nghiệp đang giải thể có chịu trách nhiệm vi phạm hành chính vì tội trốn thuế, gian lận thuế không?
Căn cứ theo Điều 38 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn như sau:
"Điều 38. Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
1. Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn trong các trường hợp sau đây:
a) Trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định này;
b) Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;
c) Đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định tại Điều 8 Nghị định này hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
d) Cá nhân vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã chết, mất tích; tổ chức vi phạm hành chính đã bị giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 4 Điều 41 Nghị định này.
Căn cứ xác định cá nhân chết, mất tích; tổ chức bị giải thể, phá sản theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định này;
đ) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này thì người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định (nếu có). Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện."
Như vậy, theo điểm d khoản 1 Điều này trường hợp công ty đã bị giải thể thì mới không chịu quyết định xử phạt hành chính nhưng công ty bạn đang trong quá trình giải thể thì công ty vẫn là một pháp nhân hoạt động bình thường, do đó nếu như cơ quan có thẩm quyền phát hiện công ty bạn có hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì công ty sẽ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính.
Doanh nghiệp nào được miễn phạt hành chính về thuế?
Căn cứ theo Điều 43 Nghị định 125/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP như sau:
“Điều 43. Miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
1. Các trường hợp miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các khoản 2, 3, 4, 5 Điều này.
2. Mức miễn, giảm tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).
Người nộp thuế bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng quy định tại Luật Quản lý thuế thì hồ sơ chứng minh giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại và giá trị được bảo hiểm, bồi thường như sau:
a) Biên bản kiểm kê, xác định giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;
b) Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực), trừ trường hợp có hồ sơ bồi thường quy định tại điểm c khoản này;
c) Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có);
d) Hồ sơ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có).
3. Không miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt.
4. Trường hợp được miễn, giảm tiền phạt thì cũng được miễn, giảm tiền chậm nộp tiền phạt tương ứng.
5. Người nộp thuế đã được miễn, giảm tiền phạt nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế phát hiện việc miễn, giảm tiền phạt không đúng quy định tại Điều này thì người có thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt ban hành quyết định hủy hoặc điều chỉnh quyết định miễn, giảm tiền phạt. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước khoản tiền phạt đã được miễn, giảm không đúng và tính tiền chậm nộp trên số tiền phạt được miễn, giảm không đúng. Ngày bắt đầu tính tiền chậm nộp tiền phạt được miễn, giảm không đúng là ngày tổ chức, cá nhân bị xử phạt nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt.”
Trên đây là một số trường hợp được miễn thuế quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 12 năm 2020, bạn tham khảo các quy định trên để biết thêm thông tin chi tiết.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.