Doanh nghiệp có được giữ lại tiền lương của người lao động không? Tạm ứng tiền lương không quá 85% quỹ tiền lương kế hoạch thực hiện như thế nào?
Về câu hỏi của chị Trúc Quỳnh, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin được trả lời chị như sau:
Tạm ứng tiền lương không quá 85% quỹ tiền lương kế hoạch được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định:
Tạm ứng tiền lương, đơn giá tiền lương
1. Căn cứ kế hoạch sản xuất, kinh doanh, công ty quyết định mức tạm ứng tiền lương, nhưng không quá 85% quỹ tiền lương kế hoạch để chi trả hàng tháng cho người lao động.
Theo đó tạm ứng 85% ở đây là tạm ứng 85% của quỹ tiền lương theo kế hoạch của doanh nghiệp chứ không phải chỉ trả 85% của tiền lương đã thỏa thuận với người lao động.
Quỹ tiền lương theo kế hoạch được xác định theo Điều 10 Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH.
Doanh nghiệp có được giữ lại tiền lương của người lao động không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp có được giữ lại tiền lương của người lao động không?
Căn cứ Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 về nguyên tắc trả lương cho người lao động được quy định như sau:
Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
...
Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả lương đầy đủ cho người lao động. Việc doanh nghiệp giữ lại 15% tiền lương của người lao động là chưa phù hợp với nguyên tắc nêu trên.
Giữ lại tiền lương của người lao động, doanh nghiệp bị xử lý như thế nào?
Hành vi giữ lại tiền lương của người lao động như trên có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
...
Như vậy, nếu doanh nghiệp có hành vi giữ lại tiền lương của người lao động thì có thể bị xử lý như quy định đã nêu trên.
Ngoài việc bị phạt tiền thì còn buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.