Định mức lao động là gì? Để xác định định mức lao động trong định mức kinh tế kỹ thuật thì có thể đùng những phương pháp nào?
Định mức lao động là gì?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 07/2020/TT-BLĐTBXH quy định về định mức lao động như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là định mức kinh tế - kỹ thuật) là lượng tiêu hao các yếu tố về lao động, thiết bị, vật tư và cơ sở vật chất để hoàn thành việc đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm 04 định mức thành phần cơ bản sau:
a) Định mức lao động;
b) Định mức thiết bị;
c) Định mức vật tư;
d) Định mức cơ sở vật chất.
2. Định mức lao động là mức tiêu hao lao động sống cần thiết của người lao động theo chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành việc đào tạo cho 01 (một) người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
3. Định mức thiết bị là thời gian sử dụng thiết bị cần thiết đối với từng loại thiết bị để hoàn thành việc đào tạo cho 01 (một) người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
4. Định mức vật tư là mức tiêu hao từng loại nguyên, vật liệu cần thiết để hoàn thành việc đào tạo cho 01 (một) người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
5. Định mức cơ sở vật chất là thời gian sử dụng và diện tích sử dụng của một người học đối với từng loại cơ sở vật chất (khu học lý thuyết, khu thực hành thực tập và các khu chức năng khác) để hoàn thành việc đào tạo cho 01 (một) người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Theo quy định trên thì định mức lao động là một trong 04 thành phần cơ bản của định mức kinh tế kỹ thuật.
Định mức lao động là mức tiêu hao lao động sống cần thiết của người lao động theo chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành việc đào tạo cho 01 (một) người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Định mức lao động là gì? (Hình từ Internet)
Để xác định định mức lao động trong định mức kinh tế kỹ thuật thì có thể dùng những phương pháp nào?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 07/2020/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác dịnh định mức lao động như sau:
Xác định định mức kinh tế - kỹ thuật
Vận dụng một hoặc đồng thời các phương pháp được quy định tại Điều 7 của Thông tư này, để xây dựng các định mức thành phần:
1. Định mức lao động
Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp (giảng dạy) + Định mức lao động gián tiếp (quản lý, phục vụ).
- Định mức lao động trực tiếp là thời gian giảng dạy lý thuyết và thực hành;
- Định mức lao động gián tiếp được quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) của lao động trực tiếp.
2. Định mức thiết bị
- Xác định chủng loại thiết bị;
- Xác định thông số kỹ thuật cơ bản của thiết bị;
- Xác định thời gian sử dụng từng chủng loại thiết bị;
- Tổng hợp định mức thiết bị.
Các thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, phục vụ của lao động gián tiếp tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tính trong định mức thiết bị.
...
Dẫn chiếu Điều 7 Thông tư 07/2020/TT-BLĐTBXH quy định về các phương pháp xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật như sau:
Phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Phương pháp thống kê tổng hợp
Căn cứ số liệu thống kê hàng năm hoặc trong các kỳ báo cáo (số liệu thống kê phải đảm bảo độ tin cậy, pháp lý trong thời gian 03 năm liên tục trước thời điểm xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật) và thực tế đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
2. Phương pháp tiêu chuẩn
Căn cứ các tiêu chuẩn, quy định đã ban hành để xác định mức tiêu hao đối với từng nội dung chi tiết, trên cơ sở đó tính toán xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
3. Phương pháp phân tích thực nghiệm
Trên cơ sở triển khai khảo sát, thực nghiệm theo từng quy trình, nội dung chi tiết để phân tích, tính toán từng yếu tố cấu thành định mức.
Phương pháp này được sử dụng trong trường hợp những công việc không xác định được qua hai phương pháp trên hoặc xác định được nhưng chưa chính xác mà cần phải kiểm nghiệm thực tế.
Như vậy, việc xác định định mức lao động được dựa trên công thức: Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp (giảng dạy) + Định mức lao động gián tiếp (quản lý, phục vụ).
Trong đó:
- Định mức lao động trực tiếp là thời gian giảng dạy lý thuyết và thực hành;
- Định mức lao động gián tiếp được quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) của lao động trực tiếp.
Để xác định định mức lao động thì cơ quan được giao nhiệm vụ có thể sử dụng một trong các phương pháp thống kê tổng hợp, phương pháp tiêu chuẩn hay phương pháp phân tích thực nghiệm để xác định.
Tình hình thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật phải được Ủy ban nhân dân các cấp báo cáo định kỳ về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vào thời gian nào?
Căn cứ Điều 14 Thông tư 07/2020/TT-BLĐTBXH quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như sau:
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Tổ chức xây dựng, ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật của các ngành, nghề đào tạo theo thẩm quyền.
2. Hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.
3. Theo dõi, tổng hợp và thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ trước ngày 20 tháng 12 hàng năm về tình hình thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, nhưng phải thẩm định lại trước khi ban hành.
Theo quy định nêu trên thì Ủy ban nhân dân các cấp phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trước ngày 20 tháng 12 hàng năm về tình hình thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.