Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng hay không?
- Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng hay không?
- Điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là gì?
- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác trong lĩnh vực hàng không dân dụng thì xác nhận vốn thế nào?
Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng hay không?
Căn cứ theo Điều 1 Nghị định 96/2016/NĐ-CP có quy định như sau:
Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng bao gồm:
a) Kinh doanh vận tải hàng không;
b) Kinh doanh cảng hàng không, sân bay;
c) Kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay;
d) Kinh doanh dịch vụ thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay tại Việt Nam;
đ) Kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;
e) Kinh doanh dịch vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.
2. Nghị định này không áp dụng đối với sân bay chuyên dùng.
Theo đó kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (Hình từ Internet)
Điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 92/2016/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP) thì điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là:
- Được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép khai thác cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và hệ thống kỹ thuật, thiết bị khi đáp ứng các yêu cầu về hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị, quy trình khai thác đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hàng không dân dụng.
- Đáp ứng các điều kiện về vốn như sau:
+ Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước;
+ Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin dẫn đường giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không có tỷ lệ vốn nhà nước không được thấp hơn 65% vốn điều lệ và tỷ lệ vốn góp của cá nhân, tổ chức nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác trong lĩnh vực hàng không dân dụng thì xác nhận vốn thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 92/2016/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP) quy định:
Xác nhận vốn
1. Văn bản xác nhận vốn được quy định như sau:
a) Đối với vốn góp bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tự do chuyển đổi: Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép; việc giải phóng khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoặc khi tổ chức, cá nhân nhận được văn bản thông báo từ chối cấp giấy phép;
b) Đối với vốn góp bằng tài sản trực tiếp phục vụ cho mục đích kinh doanh: Chứng thư thẩm định giá của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản tại thời điểm lập hồ sơ xin cấp phép theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;
c) Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng tăng vốn, giảm vốn để đáp ứng quy định về vốn khi mở rộng, thu hẹp phạm vi kinh doanh, bổ sung, rút bớt ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác quy định tại Nghị định này có thể sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán chấp nhận toàn phần của năm liền trước với thời điểm đề nghị hoặc văn bản bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn hoặc báo cáo biến động vốn được kiểm toán tại thời điểm đề nghị.
2. Đối với doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Nghị định này, mức vốn tối thiểu áp dụng là mức vốn cao nhất trong tất cả các ngành, nghề kinh doanh.
3. Tổ chức, cá nhân trực tiếp xác nhận vốn của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu tại thời điểm xác nhận.
Theo đó đói với doanh nghiệp đang kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác cùng lĩnh vực có thể sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán chấp nhận toàn phần của năm liền trước với thời điểm đề nghị hoặc văn bản bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn hoặc báo cáo biến động vốn được kiểm toán tại thời điểm đề nghị.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.