Đèn giao thông chuyển sang màu đỏ nhưng cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh tiếp tục đi thì chấp hành theo hiệu lệnh nào?
- Người điều khiển giao thông được hiểu như thế nào?
- Tín hiệu đèn giao thông được quy định như thế nào?
- Đèn giao thông chuyển sang màu đỏ nhưng cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh tiếp tục đi thì chấp hành theo hiệu lệnh nào?
- Khi tham gia giao thông đường bộ, hiệu lệnh một tay giơ ngang của Cảnh sát giao thông có ý nghĩa gì?
Người điều khiển giao thông được hiểu như thế nào?
Căn cứ theo khoản 25 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
“25. Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt.”
Như vậy, người điều khiển giao thông bao gồm cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt theo quy định nêu trên.
Đèn giao thông
Tín hiệu đèn giao thông được quy định như thế nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ như sau:
“3. Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:
a) Tín hiệu xanh là được đi;
b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;
c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.”
Như vậy, tín hiệu đèn giao thông có 03 màu và có ý nghĩa theo quy định nêu trên.
Đèn giao thông chuyển sang màu đỏ nhưng cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh tiếp tục đi thì chấp hành theo hiệu lệnh nào?
Theo quy định tại Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 về chấp hành báo hiệu đường bộ như sau:
“1. Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
3. Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.
4. Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.”
Căn cứ theo quy định nêu trên, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Tuy nhiên, khi có người điều khiển giao thông (trong đó có cảnh sát giao thông) thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Trong trường hợp của bạn, đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ nhưng cảnh sát giao thông ra hiệu tiếp tục đi thì bạn sẽ chấp hành theo hiệu lệnh của cảnh sát giao thông.
Khi tham gia giao thông đường bộ, hiệu lệnh một tay giơ ngang của Cảnh sát giao thông có ý nghĩa gì?
Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ như sau:
“1. Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
2. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông quy định như sau:
a) Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại;
b) Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi;
c) Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điểu khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.”
Theo đó, khi tham gia giao thông đường bộ, hiệu lệnh hai tay hoặc một tay dang ngang của Cảnh sát giao thông dùng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người Cảnh sát giao thông đó phải dừng lại; còn người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của Cảnh sát giao thông được đi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.