Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực 1 là đơn vị trực thuộc cơ quan nào? Cục này làm việc theo nguyên tắc nào?
Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực 1 là đơn vị trực thuộc cơ quan nào?
Căn cứ tại Điều 1 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 1 ban hành kèm theo Quyết định 1215/QĐ-TTCP năm 2013, có quy định về vị trí và chức năng như sau:
Vị trí và chức năng
Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 1 (Cục I) là đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, có chức năng giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước và trực tiếp thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các địa phương thuộc khu vực 1, gồm 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình.
Cục I có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội và có con dấu riêng
Như vậy, theo quy định trên thì Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực 1 là đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ.
Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực 1 (Hình từ Internet)
Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực 1 thực hiện chức năng quản lý nhà nước như thế nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 2 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 1 ban hành kèm theo Quyết định 1215/QĐ-TTCP năm 2013, có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước:
a) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng đề án, chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, hàng năm và các chương trình, kế hoạch khác về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ;
b) Phối hợp với các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ xây dựng trình Tổng Thanh tra Chính phủ các văn bản pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
c) Giúp Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn các địa phương thuộc khu vực 1 xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra; chỉ đạo, hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân công;
d) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của các kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực 1 khi cần thiết;
đ) Giúp Tổng Thanh tra Chính phủ trong việc yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực 1 tiến hành thanh tra những vụ việc thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đồng ý thì trình Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra và chủ trì thực hiện;
e) Giúp Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét xử lý vấn đề mà Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không nhất trí với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
f) Tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ đình chỉ việc thi hành và đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những quy định của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực 1 trái với quy định của cơ quan nhà nước cấp trên, của Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
g) Giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực 1 trong việc thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
h) Phối hợp với Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực 1 theo dõi tình hình thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đề xuất kịp thời với Tổng Thanh tra Chính phủ các giải pháp giải quyết khi có dấu hiệu phát sinh phức tạp;
i) Phối hợp với Vụ Pháp chế tham gia ý kiến về các dự án pháp luật do Thanh tra Chính phủ hoặc các bộ, ngành khác chủ trì;
k) Tổng kết kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; tham gia nghiên cứu lý luận, nghiệp vụ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.
…
Như vậy, thì Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực 1 thực hiện chức năng quản lý nhà nước được quy định như trên.
Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực 1 làm việc theo nguyên tắc nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 1 ban hành kèm theo Quyết định 1215/QĐ-TTCP năm 2013, có quy định về nguyên tắc làm việc như sau:
Nguyên tắc làm việc
1. Cục I làm việc theo chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai và minh bạch theo quy định của pháp luật; đề cao trách nhiệm và kỷ luật cá nhân, phát huy năng lực, sở trường, tính chủ động, sáng tạo trong công tác của mọi cán bộ, công chức và hiệu quả trong hoạt động của Cục.
2. Cán bộ, công chức của Cục khi tham gia các Đoàn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn phải tuân theo “Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra” do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành.
Như vậy, theo quy định trên thì Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực 1 làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai và minh bạch theo quy định của pháp luật; đề cao trách nhiệm và kỷ luật cá nhân, phát huy năng lực, sở trường, tính chủ động, sáng tạo trong công tác của mọi cán bộ, công chức và hiệu quả trong hoạt động của Cục.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.