Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải cách nguồn nước bao nhiêu mét? Cửa hàng có cần phải lập sổ theo dõi việc mua bán không?
Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải cách nguồn nước bao nhiêu mét?
Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải cách nguồn nước bao nhiêu mét, thì theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 66/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 123/2018/NĐ-CP như sau:
Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 63 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các điều kiện chi tiết sau:
1. Người trực tiếp quản lý, người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên về một trong các chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, hóa học, sinh học, nông học hoặc có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.
2. Địa điểm cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tách biệt với khu vực dịch vụ ăn uống, trường học, bệnh viện; khi xây dựng phải cách nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) tối thiểu 20 m.
3. Kho thuốc bảo vệ thực vật
a) Đối với cơ sở bán buôn, kho thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển;
b) Đối với cơ sở bán lẻ, kho thuốc bảo vệ thực vật phải xây dựng cách nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) tối thiểu 20 m và có kệ kê hàng cao tối thiểu 10 cm so với mặt sàn, cách tường tối thiểu 20 cm.
Theo quy định trên thì cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải cách nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) tối thiểu 20 m.
Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải cách nguồn nước bao nhiêu mét? Cửa hàng có cần phải lập sổ theo dõi việc mua bán không? (Hình từ Internet)
Cá nhân mở cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ như thế nào?
Cá nhân mở cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 63 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 như sau:
Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
1. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có địa điểm hợp pháp, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định;
b) Có kho thuốc đúng quy định, trang thiết bị phù hợp để bảo quản, xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi xảy ra sự cố;
c) Chủ cơ sở buôn bán thuốc và người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, theo quy định trên thì cá nhân là chủ cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.
Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có cần phải lập sổ theo dõi việc mua bán không?
Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có cần phải lập sổ theo dõi việc mua bán không, thì theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 64 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 như sau:
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
1. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:
a) Buôn bán thuốc thành phẩm có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;
b) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật;
c) Chủ cơ sở và người trực tiếp buôn bán thuốc được tham gia tập huấn về an toàn sử dụng, bảo quản, vận chuyển và phòng ngừa sự cố do thuốc bảo vệ thực vật gây ra.
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật;
b) Chỉ được sử dụng người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm sức khỏe và đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn;
c) Niêm yết giá bán và lập sổ theo dõi việc mua, bán thuốc;
d) Hướng dẫn sử dụng thuốc cho người mua theo đúng nội dung của nhãn thuốc;
đ) Khi phát hiện sự cố gây rò rỉ, phát tán thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường sinh thái, cơ sở buôn bán thuốc phải áp dụng ngay biện pháp khắc phục, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để giám sát và có các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa hậu quả xấu;
e) Chỉ bán thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng cho người có thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc cho tổ chức có Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
g) Cung cấp thông tin liên quan đến việc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
h) Bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật;
i) Khi phát hiện thuốc của cơ sở buôn bán không bảo đảm các yêu cầu theo quy định, cơ sở buôn bán có trách nhiệm thông báo cho đại lý trực tiếp hoặc cơ sở sản xuất đã cung cấp thuốc để thu hồi ngay toàn bộ thuốc đó trên thị trường; tham gia thu hồi thuốc đã bán ra;
k) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, môi trường, lao động;
l) Thực hiện quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, theo quy định trên thì cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ phải lập sổ theo dõi việc mua bán thuốc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.