Cơ sở y tế tiêu hủy mẫu máu nhiễm HIV không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Cơ quan nào có thẩm quyền quy định về việc tiêu hủy mẫu máu nhiễm HIV?
- Cơ sở y tế tiêu hủy mẫu máu nhiễm HIV không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt cơ sở y tế tiêu hủy mẫu máu nhiễm HIV không đúng quy định của pháp luật không?
Cơ quan nào có thẩm quyền quy định về việc tiêu hủy mẫu máu nhiễm HIV?
Căn cứ khoản 3 Điều 31 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 quy định về an toàn truyền máu như sau:
An toàn truyền máu
1. Các túi máu, chế phẩm của máu đều phải được làm xét nghiệm HIV trước khi sử dụng, kể cả trong trường hợp cấp cứu.
2. Việc xét nghiệm sàng lọc HIV phải được thực hiện bằng các loại sinh phẩm chẩn đoán đã được Bộ trưởng Bộ Y tế cho phép lưu hành.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể việc xét nghiệm sàng lọc HIV, lưu trữ kết quả xét nghiệm, lưu trữ và tiêu huỷ các mẫu máu, túi máu, chế phẩm máu, bệnh phẩm nhiễm HIV.
Theo quy định trên, các túi máu, chế phẩm của máu đều phải được làm xét nghiệm HIV trước khi sử dụng, kể cả trong trường hợp cấp cứu.
Và cơ quan có thẩm quyền quy định về việc tiêu hủy mẫu máu nhiễm HIV là Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đồng thời Bộ trưởng Bộ Y tế cũng có thẩm quyền quy định cụ thể việc xét nghiệm sàng lọc HIV, lưu trữ kết quả xét nghiệm, lưu trữ các mẫu máu, túi máu, chế phẩm máu, bệnh phẩm nhiễm HIV.
Cơ sở y tế tiêu hủy mẫu máu nhiễm HIV không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào? (Hình từ Internet)
Cơ sở y tế tiêu hủy mẫu máu nhiễm HIV không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Căn cứ điểm h khoản 1 Điều 20 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về tư vấn và xét nghiệm HIV như sau:
Vi phạm quy định về tư vấn và xét nghiệm HIV
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
h) Không tiêu hủy hoặc tiêu hủy các mẫu máu, túi máu, chế phẩm máu, bệnh phẩm nhiễm HIV không theo đúng quy định của pháp luật;
...
Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, cơ sở y tế tiêu hủy mẫu máu nhiễm HIV không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (mức phạt tiền của tổ chức sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt cơ sở y tế tiêu hủy mẫu máu nhiễm HIV không đúng quy định của pháp luật không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 103 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
...
Như vậy, cơ sở y tế tiêu hủy mẫu máu nhiễm HIV không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 6.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.