Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em là gì? Điều kiện, thẩm quyền để thành lập trung tâm trợ giúp trẻ em mồ côi cần những gì?
Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em là gì? Gồm có những loại hình nào?
Tại Điều 55 Luật Trẻ em 2016 nêu khái niệm về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và các loại hình cơ sở như sau:
- Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em là cơ sở do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật; có chức năng, nhiệm vụ thực hiện hoặc phối hợp, hỗ trợ thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ trẻ em theo cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
- Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tổ chức theo loại hình cơ sở công lập và cơ sở ngoài công lập.
- Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bao gồm:
+ Cơ sở có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em
+ Cơ sở có một phần chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em
Điều kiện thành lập trung tâm trợ giúp trẻ mồ côi cần những gì?
Theo Điều 56 Luật Trẻ em 2016 quy định điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của trung tâm trợ giúp trẻ mồ côi như sau:
Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được thành lập, đăng ký hoạt động khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có tôn chỉ, mục đích hoạt động vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;
- Có nội dung hoạt động nhằm thực hiện một hoặc nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em quy định tại các Điều 48, 49 và 50 của Luật này;
- Có người đại diện là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức, am hiểu về trẻ em và bảo vệ trẻ em, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em;
- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài chính, nguồn nhân lực đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, phạm vi hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thẩm quyền thành lập, cấp đăng ký hoạt động đối với trung tâm trợ giúp trẻ mồ côi
Điều 57 Luật Trẻ em 2016 (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch 2018) quy định về thẩm quyền thành lập, cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em:
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập thuộc thẩm quyền quản lý và cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khác có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn thực hiện việc phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; xây dựng quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thuộc lĩnh vực quản lý và kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập và cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khác có phạm vi hoạt động trong địa bàn tỉnh
- Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập và cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khác có phạm vi hoạt động trong địa bàn huyện.
Hồ sơ đăng ký thành lập trung tâm trợ giúp trẻ mồ côi như thế nào?
Tại Điều 15 Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký thành lập bao gồm:
(1) Tờ khai đăng ký thành lập theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
(2) Phương án thành lập cơ sở.
(3) Dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở theo Mẫu số 03b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
(4) Bản sao có chứng thực đối với giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc hợp đồng cho thuê, mượn đất đai, cơ sở vật chất và tài sản gắn liền với đất phục vụ cho hoạt động của cơ sở.
(5) Phiếu lý lịch tư pháp của các sáng lập viên.
(6) Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân. Đối với sáng lập viên là cá nhân nước ngoài, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên;
- Quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức.
Đối với sáng lập viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Hiện tại vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể hướng dẫn cho khoản 2 Điều 15 nêu trên. Ở đây, chị có thể hiểu phương án là bản kế hoạch trình bày dự kiến những công việc cần phải làm, dự kiến về cách thức, trình tự tiến hành công việc trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định nào đó đề ra nhiều phương án để thực hiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.