Cơ quan nào tiến hành việc chi trả lương hưu cho người lao động? Có bắt buộc phải đến nhận lương hưu trực tiếp tại cơ quan BHXH không?
- Cơ quan tiến hành việc chi trả lương hưu cho người lao động hiện nay có phải là cơ quan bảo hiểm xã hội không?
- Có bắt buộc phải đến nhận lương hưu trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội hay không?
- Người lao động đã nghỉ hưu và đang hưởng lương hưu nếu vẫn tiếp tục làm việc thì có được hưởng lương hưu tiếp không?
Cơ quan tiến hành việc chi trả lương hưu cho người lao động hiện nay có phải là cơ quan bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 93 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Cơ quan bảo hiểm xã hội
1. Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.
2. Chính phủ quy định cụ thể tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ là nơi chi trả lương hưu cho người lao động được hưởng lương hưu.
Cơ quan nào tiến hành việc chi trả lương hưu cho người lao động? Có bắt buộc phải đến nhận lương hưu trực tiếp tại cơ quan BHXH không? (Hình từ Internet).
Có bắt buộc phải đến nhận lương hưu trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Quyền của người lao động
1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
a) Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
b) Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
c) Thông qua người sử dụng lao động.
4. Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
a) Đang hưởng lương hưu;
b) Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
c) Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
d) Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
5. Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
6. Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
7. Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
8. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Theo đó, người lao động không nhất thiết phải nhận lương hưu trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội, mà có thể nhận từ:
- Tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền.
- Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng.
- Thông qua người sử dụng lao động.
Người lao động đã nghỉ hưu và đang hưởng lương hưu nếu vẫn tiếp tục làm việc thì có được hưởng lương hưu tiếp không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc sử dụng người lao động cao tuổi cụ thể như sau:
Sử dụng người lao động cao tuổi
1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Như vậy, theo quy định trên người lao động đã nghỉ hưu và đang hưởng lương hưu nếu vẫn tiếp tục làm việc thì hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động mới mà không làm ảnh hưởng đến chế độ hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.