Cơ quan nào có trách nhiệm quản lý Công báo Trung ương và Công báo cấp tỉnh? Thời hạn lưu trữ Công báo trong bao lâu theo quy định pháp luật hiện hành?
Cơ quan nào có trách nhiệm quản lý Công báo Trung ương và Công báo cấp tỉnh?
Công báo là ấn phẩm thông tin chính thức của Nhà nước, do Chính phủ thống nhất quản lý, đăng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản pháp luật khác theo quy định tại Nghị định này theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 34/2016/NĐ-CP.
Theo quy định tại Điều 84 Nghị định 34/2016/NĐ-CP như sau:
Trách nhiệm của cơ quan quản lý Công báo và cơ quan ban hành văn bản trong việc gửi đăng Công báo
1. Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quản lý Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
2. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in cấp tỉnh và quản lý Công báo điện tử cấp tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm về việc không đăng Công báo, đăng chậm, đăng không toàn văn, đầy đủ, chính xác văn bản trên Công báo.
4. Cơ quan ban hành văn bản chịu trách nhiệm về việc không gửi hoặc gửi chậm, gửi không đầy đủ, chính xác văn bản để đăng Công báo.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quản lý Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Đối với Công báo cấp tỉnh do Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in cấp tỉnh và quản lý Công báo điện tử cấp tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Cơ quan nào có trách nhiệm quản lý Công báo Trung ương và Công báo cấp tỉnh? (Hình từ Internet)
Thời hạn lưu trữ Công báo là bao lâu theo quy định pháp luật hiện hành?
Căn cứ quy định tại Điều 10 Thông tư 01/2017/TT-VPCP quy định:
Quản lý Công báo và văn bản đăng Công báo
1. Cơ quan Công báo có trách nhiệm
a) Lưu giữ 01 ấn phẩm/số Công báo in đã xuất bản, phát hành và được đóng quyển theo từng năm. Thời hạn lưu giữ là vĩnh viễn;
b) Lưu giữ văn bản gửi đăng Công báo (văn bản chính và bản điện tử) theo từng năm, đảm bảo khoa học, thuận tiện cho việc tìm kiếm, đối chiếu. Thời hạn lưu giữ là 05 năm;
c) Quản lý cơ sở dữ liệu Công báo điện tử bao gồm bản điện tử của các số Công báo đã xuất bản và thông tin, thuộc tính văn bản đăng Công báo.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được cấp phát Công báo có trách nhiệm quản lý, lưu giữ và tổ chức việc sử dụng ấn phẩm Công báo. Thời hạn lưu giữ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Theo đó, cơ quan Công báo có trách nhiệm lưu giữ 01 ấn phẩm/số Công báo in đã xuất bản, phát hành và được đóng quyển theo từng năm, thời hạn lưu giữ là vĩnh viễn.
Trường hợp, Ủy ban nhân dân xã được cấp phát Công báo có trách nhiệm quản lý, lưu giữ và tổ chức việc sử dụng ấn phẩm Công báo. Thời hạn lưu giữ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Đăng văn bản trên Công báo phải đảm bảo nguyên tắc gì?
Căn cứ theo Điều 83 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định về nguyên tắc đăng văn bản trên Công báo như sau:
Nguyên tắc đăng văn bản trên Công báo
1. Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo theo quy định tại Điều 150 của Luật.
2. Công báo đăng toàn văn, đầy đủ, kịp thời, chính xác các văn bản do cơ quan ban hành gửi đăng Công báo.
3. Công báo không đăng văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà các bên thỏa thuận không đăng Công báo.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 01/2017/TT-VPCP quy định:
Gửi, tiếp nhận và đăng văn bản trên Công báo
...
3. Đăng văn bản trên Công báo
a) Văn bản được đăng Công báo theo thứ tự thời gian nhận văn bản, văn bản đến trước đăng trước và độ khẩn của văn bản;
b) Trong ấn phẩm Công báo, văn bản được sắp xếp theo ba phần: Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật khác, Điều ước quốc tế (nếu có); văn bản xếp theo thứ bậc cơ quan ban hành, theo giá trị pháp lý từ cao xuống thấp và số văn bản theo thứ tự tăng dần; nếu cơ quan ban hành cùng cấp được sắp xếp theo bảng chữ cái a, b, c hoặc chữ số từ nhỏ đến lớn;
c) Một văn bản được đăng trên cùng một ấn phẩm Công báo, đối với văn bản dài phải được đăng trên các ấn phẩm Công báo liền nhau liên tiếp.
Theo đó, việc đăng văn bản trên Công báo phải đảm bảo các nguyên tắc trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.