Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng chính sách do ai bổ nhiệm? Ai là chủ sở hữu của ngân hàng chính sách?
Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng chính sách do ai bổ nhiệm? Ai là chủ sở hữu của ngân hàng chính sách?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về Hội đồng quản trị của ngân hàng chính sách như sau:
Hội đồng quản trị của ngân hàng chính sách
1. Hội đồng quản trị gồm Chủ tịch và các thành viên khác.
2. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 05 năm.
3. Chủ tịch Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.
4. Số lượng, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị; cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị do Chính phủ quy định.
5. Hội đồng quản trị có bộ phận giúp việc. Chức năng, nhiệm vụ của bộ phận giúp việc do Hội đồng quản trị quy định.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng chính sách sẽ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước đối với ngân hàng chính sách như sau:
Thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước đối với ngân hàng chính sách
1. Ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.
2. Chính phủ quy định nội dung hoạt động của ngân hàng chính sách.
3. Thủ tướng Chính phủ và Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với hoạt động của ngân hàng chính sách.
Và tại khoản 1 Điều 17 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước của ngân hàng chính sách như sau:
Chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước của ngân hàng chính sách
1. Nhà nước là chủ sở hữu của ngân hàng chính sách. Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước đối với ngân hàng chính sách.
2. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại ngân hàng chính sách, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, Ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước và Nhà nước là chủ sở hữu của ngân hàng chính sách.
Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng chính sách do ai bổ nhiệm? Ai là chủ sở hữu của ngân hàng chính sách? (Hình từ Internet)
Ngân hàng chính sách có Ban kiểm soát không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì Ngân hàng chính sách có Ban kiểm soát gồm Trưởng ban và các thành viên khác.
Nhiệm kỳ của thành viên Ban kiểm soát không quá 05 năm. Số lượng, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát; cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát do Chính phủ quy định.
Và Ban kiểm soát của ngân hàng chính sách có bộ phận kiểm toán nội bộ, được sử dụng các nguồn lực của ngân hàng chính sách để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Ai là người đại diện theo pháp luật và điều hành hoạt động của ngân hàng chính sách?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì Tổng giám đốc sẽ là người đại diện theo pháp luật, điều hành hoạt động hằng ngày của ngân hàng chính sách.
Nhiệm kỳ của Tổng giám đốc không quá 05 năm. Tổng giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Và theo Điều 37 Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định 16/2003/QĐ-TTg về quyền, nghĩa vụ của Tổng giám đốc ngân hàng chính sách như sau:
- Tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.
- Tổ chức điều hành các hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị ký nhận vốn và các nguồn lực khác do Nhà nước giao.
- Ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ.
- Ký các văn bản, thoả ước, hợp đồng, chứng thư của Ngân hàng Chính sách xã hội trong công tác đối nội, đối ngoại sau khi có ý kiến chuẩn y của Hội đồng quản trị.
- Tổ chức đào tạo tay nghề, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy chế về nghiệp vụ.
- Trình Hội đồng quản trị:
+ Các công việc quy định tại khoản 2 Điều 23 của Điều lệ này;
+ Sửa đổi, bổ sung Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội;
+ Mở, thành lập, sáp nhập, chia tách, chấm dứt hoạt động các Chi nhánh và các tổ chức khác trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Ban hành Quy chế điều hành tại Hội sở chính, Chi nhánh, Phòng giao dịch và các tổ chức khác thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội sau khi có ý kiến chuẩn y của Chủ tịch Hội đồng quản trị.
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động các chức danh trong hệ thống như sau:
+ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban chuyên môn nghiệp vụ tại Hội sở chính;
+ Phó Giám đốc Sở giao dịch thuộc Hội sở chính;
+ Phó Giám đốc các Chi nhánh và các tổ chức trực thuộc;
+ Trưởng phòng Kế toán, Trưởng phòng Kiểm tra - Kiểm toán nội bộ của Sở giao dịch, các Chi nhánh Ngân hàng cấp tỉnh và các tổ chức trực thuộc.
Các chức danh khác thuộc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh và đơn vị trực thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh do Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm và điều động.
- Sơ kết, tổng kết các hoạt động theo định kỳ và đột xuất; đánh giá phạm vi ảnh hưởng của các hoạt động trình Hội đồng quản trị.
- Chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo tồn, phát triển vốn và tài sản của Ngân hàng.
- Chịu trách nhiệm về những cam kết của mình với khách hàng.
- Đại diện pháp nhân Ngân hàng Chính sách xã hội trước pháp luật trong việc tố tụng, tranh chấp, thanh lý, giải thể và trong quan hệ quốc tế liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Chịu sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
- Báo cáo Hội đồng quản trị và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.