Chủ đầu tư dự án tu bổ di tích cần phải làm những công việc gì trong giai đoạn chuẩn bị thi công tu bổ di tích?
- Chủ đầu tư dự án tu bổ di tích cần phải làm những công việc gì trong giai đoạn chuẩn bị thi công tu bổ di tích?
- Người dân nơi có di tích có được quyền giám sát hoạt động thi công tu bổ di tích hay không?
- Việc tu bổ di tích cần phải đáp ứng những yêu cầu nào?
- Khi thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích cần phải lưu ý những điều gì?
Chủ đầu tư dự án tu bổ di tích cần phải làm những công việc gì trong giai đoạn chuẩn bị thi công tu bổ di tích?
Căn cứ theo Điều 15 Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL thì trong giai đoạn chuẩn bị thi công tu bổ di tích chủ đầu tư dự án tu bổ di tích sẽ chủ trì, phối hợp với tổ chức thi công tu bổ di tích thực hiện các công việc sau:
- Thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích về phương án bảo vệ di tích và kế hoạch thực hiện dự án tu bổ di tích, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích.
- Tổ chức tuyên truyền trong nhân dân địa phương nơi có di tích và đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề tham gia thi công tu bổ di tích về giá trị, mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi, nội dung dự án tu bổ di tích, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích.
- Nhận bàn giao mặt bằng thực hiện dự án tu bổ di tích, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích.
- Tổ chức công trường thi công tu bổ di tích đáp ứng yêu cầu an ninh, an toàn; xây dựng nhà bao che, nhà bảo quản cấu kiện (trong trường hợp phải tháo rời toàn bộ cấu kiện, thành phần kiến trúc di tích); thực hiện phương án bảo vệ hiện vật.
- Xác định nguyên tắc, quy trình và giải pháp kỹ thuật dự phòng tu bổ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong trường hợp phải hạ giải di tích.
- Chuẩn bị vật liệu, nhân công, phương tiện, thiết bị phục vụ thi công và các công việc liên quan khác.
Tu bổ di tích (Hình từ Internet)
Người dân nơi có di tích có được quyền giám sát hoạt động thi công tu bổ di tích hay không?
Tại Điều 4 Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL quy định về nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích cụ thể như sau:
Nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích
1. Tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được phê duyệt, quy định về quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng thi công, an toàn lao động và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích.
3. Được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích; thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư nơi có di tích.
4. Trường hợp điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích, chủ đầu tư dự án tu bổ di tích phải xem xét điều chỉnh thời gian thi công tu bổ di tích để đảm bảo chất lượng công trình.
5. Ghi nhận đầy đủ mọi hoạt động đã thực hiện tại công trường trong Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công.
6. Bảo đảm an toàn cho di tích và khách tham quan.
Theo đó, người dân nơi có di tích có quyền giám sát hoạt động thi công tu bổ di tích. Đồng thời, trong quá trình thực hiện thi công tu bổ di tích cũng cần phải thường xuyên tham vấn ý kiến của nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cả cộng đồng dân cư nơi có di tích.
Việc tu bổ di tích cần phải đáp ứng những yêu cầu nào?
Căn cứ theo Điều 34 Luật Di sản văn hóa (được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009) thì việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích;
- Lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.
+ Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh;
+ Đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt tại địa phương nơi có di tích.
Khi thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích cần phải lưu ý những điều gì?
Theo Điều 3 Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL, khi thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích cần phải lưu ý tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, về xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Được lập trên cơ sở nghiên cứu, xác định đặc điểm, giá trị, tình trạng kỹ thuật, kết quả khảo sát liên quan đến di tích và phải tuân thủ thiết kế cơ sở của dự án tu bổ di tích đã được phê duyệt.
- Ưu tiên sử dụng các giải pháp kỹ thuật truyền thống (trường hợp giải pháp kỹ thuật truyền thống không đáp ứng yêu cầu về tu bổ di tích thì được áp dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại phù hợp, đã được kiểm nghiệm trong thực tế và không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc, giá trị của di tích). Ưu tiên bảo quản, gia cố, gia cường di tích trước khi áp dụng phương án tu bổ, phục hồi di tích.
- Được điều chỉnh, bổ sung khi có phát sinh, phát hiện mới về di tích.
- Thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư nơi có di tích.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.