Chủ đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị được chia thành mấy cấp? Cơ quan nào lập kế hoạch lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị?
Chủ đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị được chia thành mấy cấp?
Căn cứ theo khoản 12, khoản 13 Điều 2 Nghị định 11/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 35/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ ngày 20/06/2023) giải thích như sau:
- Chủ đầu tư cấp 1 là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị được quy định theo pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở.
- Chủ đầu tư thứ cấp là chủ đầu tư cấp 2 hoặc chủ đầu tư các cấp tiếp theo tham gia đầu tư vào dự án đầu tư phát triển đô thị thông qua việc thuê, giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng thuộc dự án đầu tư phát triển đô thị để đầu tư xây dựng công trình.
Trước đây, khoản 12 Điều 2 Nghị định 11/2013/NĐ-CP quy định:
Giải thích từ ngữ
...
12. Chủ đầu tư cấp 1 là chủ đầu tư được Nhà nước giao thực hiện dự án đầu tư phát triển đô thị, chủ đầu tư cấp 1 có thể là:
a) Các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng;
b) Ban quản lý khu vực phát triển đô thị; các Ban quản lý đầu tư xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao;
c) Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã;
d) Các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Chủ đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị (Hình từ Internet)
Chủ đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị có các nhiệm vụ gì?
Căn cứ theo Điều 17 Nghị định 11/2013/NĐ-CP và Điều 18 Nghị định 11/2013/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị cụ thể như sau:
(1) Nghĩa vụ của chủ đầu tư cấp 1:
- Lập quy hoạch chi tiết (nếu khu vực thực hiện dự án chưa có quy hoạch chi tiết được phê duyệt), thiết kế đô thị và dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
- Thực hiện đầu tư xây dựng các công trình phù hợp với quy hoạch chi tiết và tiến độ dự án đã được phê duyệt.
- Đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt.
- Đảm bảo kết nối tạm thời giữa hạ tầng kỹ thuật trong khu vực dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án trong trường hợp hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án chưa được đầu tư theo đúng quy hoạch được duyệt.
- Thực hiện các yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc đóng góp xây dựng hạ tầng khu vực và giao phần diện tích đất đã có hạ tầng để tạo quỹ xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
- Tổ chức thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ quản lý nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ đô thị khác thuộc phạm vi dự án trong thời gian chưa bàn giao.
- Quản lý vận hành và bảo đảm chất lượng các công trình không chuyển giao hoặc chưa chuyển giao cho chính quyền địa phương.
- Giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng của các chủ đầu tư thứ cấp (nếu có) phù hợp với quy hoạch chi tiết và tiến độ dự án đã được phê duyệt.
- Hướng dẫn thủ tục và phối hợp với chủ đầu tư thứ cấp (nếu có) để thực hiện các thủ tục chuyển nhượng đất có hạ tầng kỹ thuật hoặc các sản phẩm khác của dự án theo đúng quy định của pháp luật.
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
(2) Nghĩa vụ của chủ đầu tư thứ cấp:
Chủ đầu tư thứ cấp có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ quy định tại các khoản từ 1 đến 8 Điều 17 Nghị định 11/2013/NĐ-CP.
- Chủ đầu tư thứ cấp phải chịu sự quản lý của chủ đầu tư cấp 1 trong quá trình đầu tư xây dựng, bảo đảm tuân thủ quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, thực hiện việc đầu tư xây dựng theo quy định của hợp đồng ký kết giữa hai bên, các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Cơ quan nào lập kế hoạch lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 11/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 4 Nghị định 35/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ ngày 20/06/2023) quy định:
Quản lý khu vực phát triển đô thị
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giữ nguyên hoặc tổ chức lại, giải thể Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị hoặc giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý để chủ trì thực hiện các nhiệm vụ quản lý khu vực phát triển đô thị quy định tại khoản 2 Điều này. Việc tổ chức lại, giải thể Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị được thực hiện theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Nhiệm vụ quản lý khu vực phát triển đô thị:
a) Đề xuất các nội dung cụ thể hóa kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị trong hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị đã được phê duyệt và tổ chức thực hiện;
b) Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong khu vực phát triển đô thị; nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù áp dụng đối với hoạt động đầu tư xây dựng trong khu vực phát triển đô thị;
c) Đề xuất việc xác định các dự án đầu tư theo các nguồn vốn để thực hiện khu vực phát triển đô thị, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án đầu tư phát triển đô thị;
d) Tổ chức quản lý hoặc được giao làm chủ đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong khu vực phát triển đô thị;
đ) Theo dõi giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện các dự án đầu tư trong khu vực phát triển đô thị theo nội dung dự án đã được phê duyệt;
e) Định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo, đề xuất các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề về kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án, các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư tại khu vực phát triển đô thị;
g) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về khu vực phát triển đô thị; tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực hiện các dự án đầu tư và thực hiện kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị được giao quản lý;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa đơn vị được giao quản lý khu vực phát triển đô thị và các cơ quan chuyên môn trực thuộc.
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giữ nguyên hoặc tổ chức lại, giải thể Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị hoặc giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý để chủ trì thực hiện các nhiệm vụ quản lý khu vực phát triển đô thị quy định tại khoản 2 nêu trên. Trong đó có nhiệm vụ tổ chức quản lý hoặc được giao làm chủ đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong khu vực phát triển đô thị.
Trước đây, khoản 3 Điều 13 Nghị định 11/2013/NĐ-CP quy định:
Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị
...
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện khu vực phát triển đô thị, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện;
b) Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong khu vực phát triển đô thị; nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù áp dụng đối với hoạt động đầu tư xây dựng trong khu vực phát triển đô thị;
c) Lập kế hoạch lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án đầu tư phát triển đô thị;
d) Tổ chức quản lý hoặc thực hiện chức năng chủ đầu tư đối với các dự án trong khu vực phát triển đô thị có sử dụng vốn ngân sách nhà nước được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao;
đ) Theo dõi giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị đảm bảo đúng theo quy hoạch, kế hoạch, tiến độ theo các nội dung dự án đã được phê duyệt; tổng hợp, đề xuất và phối hợp với các quan chức năng xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư;
e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà cung cấp dịch vụ, các chủ đầu tư, đảm bảo sự kết nối đồng bộ và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án trong giai đoạn đầu tư xây dựng cho đến khi hoàn thành việc bàn giao cho chính quyền đô thị;
g) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về khu vực phát triển đô thị; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Xây dựng định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất về tình hình thực hiện các dự án đầu tư và thực hiện kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị được giao quản lý;
h) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị trong phạm vi khu vực phát triển đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.