Cảng vụ hàng hải thu các loại phí, lệ phí hàng hải gì? Đối tượng nào phải chịu phí, lệ phí hàng hải?
Cảng vụ hàng hải thu các loại phí, lệ phí hàng hải gì?
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 261/2016/TT-BTC có quy định tổ chức thu phí, lệ phí hàng hải là các Cảng vụ hàng hải. Cảng vụ hàng hải thu các loại phí, lệ phí hàng hải sau đây:
(1) Phí trọng tải tàu, thuyền;
(2) Phí bảo đảm hàng hải thu tại các luồng hàng hải công cộng và luồng hàng hải chuyên dùng;
(3) Phí sử dụng vị trí neo, đậu tại khu nước, vùng nước;
(4) Phí xác nhận kháng nghị hàng hải;
(5) Lệ phí ra, vào cảng biển.
Phí, lệ phí hàng hải (Hình từ Internet)
Đối tượng nào phải chịu phí, lệ phí hàng hải?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 261/2016/TT-BTC (Được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 90/2019/TT-BTC và khoản 1 Điều 1 Thông tư 74/2021/TT-BTC) có quy định có 02 loại đối tượng phải chịu phí, lệ phí hàng hải gồm:
(1) Đối tượng chịu phí, lệ phí hàng hải theo biểu phí, lệ phí hoạt động hàng hải quốc tế gồm:
- Tàu thuyền xuất cảnh, nhập cảnh hoặc quá cảnh vào, rời khu vực hàng hải; tàu thuyền nước ngoài vào hoạt động tại vùng biển Việt Nam không thuộc vùng nước cảng biển;
- Tàu thuyền hoạt động vận tải hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển, quá cảnh tại khu vực hàng hải;
- Tàu thuyền vận tải hành khách từ Việt Nam đi nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam; tàu thuyền chuyên dùng hoạt động trên tuyến quốc tế vào, rời khu vực hàng hải;
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển được bốc dỡ, giao nhận, bảo quản, neo đậu tại khu vực hàng hải.
(2) Đối tượng chịu phí, lệ phí hàng hải theo biểu phí, lệ phí hoạt động hàng hải nội địa gồm:
- Tàu thuyền hoạt động hàng hải nội địa vào, rời khu vực hàng hải;
- Tàu thuyền vận tải hàng hóa, hành khách hoạt động hàng hải nội địa vào, rời khu vực hàng hải;
- Tàu thuyền hoạt động trên các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo;
- Tàu thuyền chuyên dùng phục vụ dầu khí hoạt động tại các cảng dầu khí ngoài khơi, cảng chuyên dùng phục vụ dầu khí trong khu vực trách nhiệm của cảng vụ hàng hải;
- Tàu thuyền của lực lượng vũ trang, hải quan, cảng vụ, tàu thuyền chuyên dùng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam và tàu thuyền của cơ quan quản lý nhà nước khác khi thực hiện công vụ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này; trường hợp hoạt động thương mại tại Việt Nam phải nộp phí, lệ phí hàng hải theo quy định tại Chương III Thông tư 261/2016/TT-BTC.
Lưu ý:
Phương tiện thủy nội địa (trừ phương tiện mang cấp đăng kiểm VR-SB có tổng dung tích từ 500 GT trở lên) hoạt động vận tải nội địa; phương tiện thủy nội địa hoạt động vận tải trên các tuyến đường thủy theo Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy khi vào, rời khu vực hàng hải thực hiện nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư 248/2016/TT-BTC về phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa.
Phương tiện hoạt động trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo nộp phí, lệ phí theo quy định tại Chương III Thông tư này.
Ai là người nộp phí, lệ phí hàng hải? Phí, lệ phí hàng hải được nộp và thanh toán thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 248/2016/TT-BTC thì người nộp phí, lệ phí hàng hải là:
- Đối với tàu thuyền: Là chủ sở hữu tàu thuyền hoặc người vận chuyển hoặc người được ủy thác chịu trách nhiệm thanh toán.
- Đối với hàng hóa, hành khách: Là người vận chuyển hoặc người ủy thác chịu trách nhiệm thanh toán.
Và theo khoản 6 Điều 6 Thông tư 248/2016/TT-BTC (Được sửa đổi bởi điểm b khoản 3 Điều 1 Thông tư 90/2019/TT-BTC) có quy định như sau:
Cơ sở, nguyên tắc xác định số tiền phí, lệ phí hàng hải
...
6. Quy định về thanh toán phí, lệ phí hàng hải:
a) Người nộp phí, lệ phí hàng hải phải nộp và thanh toán xong các khoản phí, lệ phí hàng hải trước khi tàu thuyền được cảng vụ hàng hải cấp phép rời khu vực hàng hải. Người nộp phí, lệ phí hàng hải được chậm nộp các khoản phí, lệ phí trong thời hạn tối đa là 5 ngày làm việc kể từ ngày tàu thuyền được cấp phép rời cảng trong trường hợp:
- Người nộp phí, lệ phí có ký quỹ tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật dân sự để nộp phí, lệ phí cho tàu thuyền quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
- Người nộp phí, lệ phí có cam kết hoặc ký quỹ tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật dân sự để nộp phí, lệ phí tàu thuyền quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
b) Phí sử dụng vị trí neo, đậu đối với trường hợp phương tiện neo đậu từ 01 tháng trở lên tại khu vực hàng hải: Người nộp phí thực hiện nộp phí sử dụng vị trí neo, đậu theo tháng, thời hạn nộp trong ngày làm việc đầu tiên của tháng kế tiếp; tháng cuối cùng, thực hiện nộp phí theo quy định tại điểm a khoản này.
c) Trường hợp phương tiện thủy nội địa theo quy định của pháp luật được làm thủ tục vào, rời cảng biển một lần lúc rời cảng nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư số 248/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa một lần theo chuyến khi làm thủ tục rời cảng (bao gồm phí, lệ phí lượt vào và phí, lệ phí lượt rời).
Như vậy người nộp phí, lệ phí hàng hải phải nộp và thanh toán xong các khoản phí, lệ phí hàng hải trước khi tàu thuyền được cảng vụ hàng hải cấp phép rời khu vực hàng hải.
Người nộp phí, lệ phí hàng hải được chậm nộp các khoản phí, lệ phí trong thời hạn tối đa là 5 ngày làm việc kể từ ngày tàu thuyền được cấp phép rời cảng trong trường hợp:
- Người nộp phí, lệ phí có ký quỹ tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật dân sự để nộp phí, lệ phí cho tàu thuyền quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 261/2016/TT-BTC.
- Người nộp phí, lệ phí có cam kết hoặc ký quỹ tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật dân sự để nộp phí, lệ phí tàu thuyền quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 261/2016/TT-BTC.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.