Cải tạo sửa chữa di tích cấp Quốc gia có phải lập quy hoạch di tích không? Thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương cải tạo, sửa chữa di tích cấp Quốc gia thuộc về ai?
Cải tạo sửa chữa di tích cấp Quốc gia có phải lập quy hoạch di tích không?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 166/2018/NĐ-CP về lập quy hoạch di tích như sau:
"Điều 5. Lập quy hoạch di tích
1. Quy hoạch di tích được lập cho một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.
2. Trường hợp di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt đồng thời có khu vực bảo vệ là một phần hoặc toàn bộ diện tích của khu du lịch quốc gia, rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển thì chỉ lập 01 quy hoạch di tích, trong đó lồng ghép nội dung giữa bảo vệ di tích với bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên địa chất, địa mạo, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về lâm nghiệp, thủy sản và quy định pháp luật khác có liên quan."
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 166/2018/NĐ-CP giải thích quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là việc xác định nội dung và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích, định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình xây dựng mới, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích (sau đây gọi là quy hoạch di tích).
Căn cứ theo quy định nêu trên, việc cải tạo sửa chữa di tích cấp Quốc gia phải lập quy hoạch.
Cải tạo sửa chữa di tích cấp Quốc gia có phải lập quy hoạch di tích không? (Hình từ Internet)
Hồ sơ quy hoạch di tích cấp Quốc gia gồm những giấy tờ gì?
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 166/2018/NĐ-CP về hồ sơ quy hoạch di tích.
Hồ sơ quy hoạch di tích gồm:
(1) Tờ trình thẩm định hoặc phê duyệt quy hoạch di tích theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 166/2018/NĐ-CP.
(2) Báo cáo thuyết minh tổng hợp.
(3) Bản đồ gồm có:
- Bản đồ vị trí di tích và mối liên hệ với di tích khác trong khu vực nghiên cứu quy hoạch, tỷ lệ 1:5.000 - 1:15.000;
- Bản đồ hiện trạng về sử dụng đất, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và bản đồ quy hoạch xây dựng khu vực đã được phê duyệt, tỷ lệ 1:2.000;
- Bản đồ xác định khu vực bảo vệ và cắm mốc giới di tích; khu vực cần giải tỏa vi phạm di tích, tỷ lệ 1:2.000;
- Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng; phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phát huy giá trị di tích, tỷ lệ 1:2.000;
- Bản đồ định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ 1:2.000.
(4) Dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch di tích.
Thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương cải tạo, tu bổ di tích cấp Quốc gia thuộc thẩm quyền của ai?
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 166/2018/NĐ-CP như sau:
“Điều 11. Thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích
1. Thẩm quyền lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có di tích và Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích;
…
2. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích:
…
b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích; thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích;
….”
Tại Điều 17 Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 17. Thẩm quyền lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích
1. Căn cứ danh mục dự án thành phần của quy hoạch di tích đã được phê duyệt, sự xuống cấp của di tích và khả năng bố trí kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc khả năng huy động nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và đầu tư công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích quyết định việc lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích và lựa chọn chủ đầu tư của dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích.
2. Chủ đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm lựa chọn tổ chức có đủ điều kiện hành nghề lập dự án tu bổ di tích, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích theo quy định của pháp luật hiện hành.”
Đồng thời, tại Điều 18 Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định:
"Điều 18. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích
1. Thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích:
a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích;
…
2. Thẩm quyền phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia sau khi có văn bản thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di tích cấp tỉnh sau khi có văn bản thẩm định của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao.”
Như vậy, để bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì trước tiên cần lập quy hoạch di tích, thẩm quyền lập quy hoạch di tích thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích Đền Bạch Mã, sau đó đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan tiến hành thẩm định.
Thứ hai, dựa vào quy hoạch di tích đã lập và được thẩm định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích Đền Bạch Mã sẽ quyết định việc lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích và lựa chọn chủ đầu tư của dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích.
Thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích thuộc về Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sau thẩm định thì thẩm quyền phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích Đền Bạch Mã.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.