Cá nhân tham gia hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự có được bồi thường khi bị thiệt hại về tài sản?
Ai có thẩm quyền chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự thực hiện biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 2?
Căn cứ theo Điều 33 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định như sau:
Chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự
...
3. Việc chỉ huy trong các cấp độ phòng thủ dân sự được quy định như sau:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ huy các lực lượng, phương tiện trên địa bàn để thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 1 quy định tại Điều 22 của Luật này và biện pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ huy các lực lượng, phương tiện trên địa bàn để thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 2 quy định tại Điều 23 của Luật này và biện pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan;
c) Thủ tướng Chính phủ chỉ huy lực lượng, phương tiện của Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương để thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 3 quy định tại Điều 24 của Luật này và biện pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan;
d) Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục của các lực lượng, phương tiện trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và Thủ tướng Chính phủ.
...
Đồng thời, tại Điều 23 Luật Phòng thủ dân sự 2023 có quy định về các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 2 như sau:
Biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 2
1. Biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 2 bao gồm:
a) Các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này;
b) Cách ly, giãn cách xã hội phù hợp với mức độ của sự cố, thảm họa trên địa bàn;
c) Chuyển đổi hình thức hoặc tạm dừng hoạt động của trường học; tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu;
d) Hạn chế hoặc tạm dừng tổ chức lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sự kiện và hoạt động khác có tập trung đông người;
đ) Kiểm tra, kiểm soát hoạt động giao thông tại khu vực xảy ra sự cố, thảm họa;
e) Áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định của pháp luật.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định áp dụng biện pháp phòng thủ dân sự quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 2 và biện pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Lưu ý: Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục của các lực lượng, phương tiện trên địa bàn thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và Thủ tướng Chính phủ
Cá nhân tham gia hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự có được bồi thường khi bị thiệt hại về tài sản? (Hình từ Internet)
Cá nhân tham gia hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự có được bồi thường khi bị thiệt hại tài sản?
Căn cứ vào Điều 41 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự như sau:
Chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự
1. Người làm nhiệm vụ trực tại cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, ban chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương các cấp được hưởng chế độ khi thực hiện nhiệm vụ.
2. Người được điều động, huy động huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng trợ cấp; khi bị ốm đau, bị tai nạn, chết hoặc bị suy giảm khả năng lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí, trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được nhà nước hỗ trợ để bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng theo quy định của pháp luật; có thành tích thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Theo đó, trường hợp cá nhân tham gia hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự mà bị thiệt hại về tài sản thì sẽ được đền bù theo quy định pháp luật.
Dân quân tự vệ có phải là lực lượng nòng cốt của lực lượng phòng thủ dân sự?
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Luật Phòng thủ dân sự 2023 như sau:
Lực lượng phòng thủ dân sự
1. Lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi.
2. Lực lượng nòng cốt bao gồm:
a) Dân quân tự vệ, dân phòng;
b) Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương.
3. Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì dân quân tự vệ thuộc lực lượng nòng cốt của lực lượng phòng thủ dân sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.