Bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng gồm những loại nào? Những đối tượng nào phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng?
Bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng gồm những loại nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Xây dựng 2014 thì bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm:
(1) Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng;
(2) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng;
(3) Bảo hiểm đối với vật tư, vật liệu, phương tiện, thiết bị thi công, người lao động;
(4) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba;
(5) Bảo hiểm bảo hành công trình xây dựng.
Bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng gồm những loại nào? (Hình từ Internet)
Những đối tượng nào phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng?
Trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) như sau:
Bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng
...
2. Trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định như sau:
a) Chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp;
b) Nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên;
c) Nhà thầu thi công xây dựng mua bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.
3. Khuyến khích chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng mua các loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc, điều kiện, mức phí, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện.
Như vậy, theo quy định, các đối tượng sau đây có trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, cụ thể:
(1) Chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp;
(2) Nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên;
(3) Nhà thầu thi công xây dựng mua bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.
Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng mua các loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng, trừ các trường hợp nêu trên.
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng khi nào?
Quyền từ chối bán bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 67/2023/NĐ-CP như sau:
Nguyên tắc chung
...
5. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm bắt buộc trong các trường hợp sau:
a) Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới:
Xe cơ giới hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.
b) Đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc:
Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật.
Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định pháp luật phòng cháy và chữa cháy.
c) Đối với bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng:
Bên mua bảo hiểm không đáp ứng đầy đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng quy định tại Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
6. Chi phí mua bảo hiểm bắt buộc:
a) Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: Bên mua bảo hiểm được tính chi phí mua bảo hiểm bắt buộc vào giá thành sản phẩm, dịch vụ hoặc chi phí hoạt động kinh doanh (đối với cơ sở sản xuất kinh doanh) hoặc vào chi thường xuyên (đối với cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác).
b) Chi phí mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng: Thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng và các quy định tại Nghị định này.
...
Như vậy, theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng nếu bên mua bảo hiểm không đáp ứng đầy đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng quy định tại Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.