Bán hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp chế xuất thì có phải nộp thuế bảo vệ môi trường không?
Mặt hàng túi PE có phải chịu thuế bảo vệ môi trường không?
Căn cứ khoản 4 Điều 1 Thông tư số 152/2011/TT-BTC (Được sửa đổi bổ sung tại Điều 1 Thông tư số 159/2012/TT-BTC)quy định như sau:
Đối tượng chịu thuế
...
4. Túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa) là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó) được làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylen) hoặc LLDPE (Linear low density polyethylen resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bao bì đóng gói sẵn hàng hoá (kể cả có hình dạng túi và không có hình dạng túi) tại khoản này được quy định cụ thể như sau:
a) Bao bì đóng gói sẵn hàng hóa bao gồm:
a1) Bao bì đóng gói sẵn hàng hoá nhập khẩu.
a2) Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.
...
a3) Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua trực tiếp của người sản xuất hoặc người nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.….”
Như vậy đối với mặt hàng túi ni lông PE là đối tượng chịu thuế của thuế bảo vệ môi trường.
Bán hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp chế xuất thì có phải nộp thuế bảo vệ môi trường không? (Hình từ Internet)
Bán hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp chế xuất thì có phải đóng thuế bảo vệ môi trường không?
Theo khoản 2.4 Điều 2 Thông tư 152/2011/TT-BTC quy định về đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường như sau:
Đối tượng không chịu thuế
..
2.4. Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài do cơ sở sản xuất (bao gồm cả gia công) trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu.
Căn cứ vào hồ sơ hải quan của hàng hoá, cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan xác định hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản này.
Đồng thời theo Công văn 9048/BTC-CST năm 2012 của Bộ Tài chính có hướng dẫn về trường hợp bán hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường vào khu phi thuế quan như sau:
Về thuế BVMT đối với hàng hoá mua bán từ trong nước vào khu phi thuế quan
...
Hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế BVMT được sản xuất trong nước hoặc trong khu phi thuế quan và bán ra giữa trong nước và khu phi thuế quan, trong khu phi thuế quan, giữa các khu phi thuế quan với nhau và xuất nhập khẩu tại chỗ (trong lãnh thổ Việt Nam) thì doanh nghiệp sản xuất hàng hoá phải khai, nộp thuế BVMT khi bán hàng hoá.
Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có quan hệ mua bán trao đổi hàng hoá giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế BVMT đối với hàng hoá bán ra hoặc nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam thì hàng hoá đó sẽ không phải chịu thuế BVMT ở các khâu mua bán sau đó (mua bán giữa tổ chức, cá nhân trong nội địa, trong khu phi thuế quan, từ nội địa vào khu phi thuế quan và ngược lại, giữa các khu phi thuế quan với nhau).
Ví dụ 1: Doanh nghiệp A (trong nội địa) sản xuất túi ni lông bán cho doanh nghiệp B (trong khu phi thuế quan). Doanh nghiệp A phải khai, nộp thuế BVMT đối với túi ni lông khi xuất bán cho doanh nghiệp B. Doanh nghiệp B không phải khai, nộp thuế BVMT đối với túi ni lông mua của doanh nghiệp A khi nhập vào khu phi thuế quan hoặc khi xuất bán lượng túi ni lông đó.
...
Theo hướng dẫn trên thì trường hợp của doanh nghiệp nội địa khi bán hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp chế xuất thì doanh nghiệp nội địa phải kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường.
Người nộp thuế bảo vệ môi trường được hoàn thuế trong trường hợp nào?
Tại Điều 8 Thông tư 152/2011/TT-BTC thì người nộp thuế được hoàn thuế bảo vệ môi trường nếu thuộc một trong một số trường hợp sau:
Hoàn thuế
Người nộp thuế bảo vệ môi trường được hoàn thuế bảo vệ môi trường đã nộp trong một số trường hợp sau:
1. Hàng hóa nhập khẩu còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan được tái xuất khẩu ra nước ngoài.
2. Hàng hóa nhập khẩu để giao, bán cho nước ngoài thông qua đại lý tại Việt Nam; xăng, dầu bán cho phương tiện vận tải của hãng nước ngoài trên tuyến đường qua cảng Việt Nam hoặc phương tiện vận tải của Việt Nam trên tuyến đường vận tải quốc tế theo quy định của pháp luật.
3. Hàng hóa tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất được hoàn lại số thuế bảo vệ môi trường đã nộp tương ứng với số hàng tái xuất khẩu.
4. Hàng nhập khẩu do người nhập khẩu tái xuất khẩu (kể cả trường hợp trả lại hàng) ra nước ngoài được hoàn lại số thuế bảo vệ môi trường đã nộp đối với số hàng tái xuất ra nước ngoài.
5. Hàng tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm được hoàn lại số thuế bảo vệ môi truờng đã nộp tương ứng với số hàng hoá khi tái xuất khẩu ra nước ngoài.
Việc hoàn thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều này chỉ thực hiện đối với hàng hóa thực tế xuất khẩu. Thủ tục, hồ sơ, trình tự, thẩm quyền giải quyết hoàn thuế bảo vệ môi trường đối với hàng xuất khẩu được thực hiện theo quy định như đối với việc giải quyết hoàn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.