Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là gì? Người hành nghề khám, chữa bệnh có được nghỉ vào ngày này không?
Ý nghĩa ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2?
Ngày Thầy thuốc Việt Nam được pháp luật quy định tại Điều 1 Quyết định 39-HĐBT năm 1985 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành đã lấy ngày 27 tháng 2 hàng năm làm ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam là một dịp kỹ niệm và có nhiều ý nghĩa to lớn, ngày này được xem là ngày tôn vinh các Y, Bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành y tế.
Ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn ba điều:
- Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
- Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
Vì vậy , cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. "Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng.
- Xây dựng một nền y học của ta – Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp vơí nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng.
Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cưú và phối hợp thuốc ' Đông' và thuốc ' Tây'.
Do đó ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, từ năm 1955, ngày 27 tháng 2 được chọn là Ngày thầy thuốc Việt Nam.
Hằng năm cứ đến Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 là mọi người dân Việt nam lại có dịp được thể hiện lòng kính trọng & sự biết ơn của mình đến các y – bác sĩ, những người một lòng tận tâm cống hiến không quản hi sinh vì sức khỏe của những bệnh nhân của họ. Họ xứng đáng với sự quan tâm & chia sẻ của xã hội.
Xem chi tiết: https://ubmt.quangbinh.gov.vn/3cms/y-nghia-va-lich-su-ra-doi-ngay-thay-thuoc-viet-nam-27-2.htm
Ý nghĩa ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2? Người hành nghề khám, chữa bệnh có được nghỉ vào ngày này không?
Người hành nghề khám, chữa bệnh có được nghỉ vào ngày Thầy thuốc Việt Nam không?
Người hành nghề khám, chữa bệnh là viên chức
Căn cứ theo Điều 13 Luật Viên chức 2010 thì viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Người hành nghề khám, chữa bệnh là lao động
Căn cứ tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó, ngày Thầy thuốc Việt Nam không thuộc ngày nghỉ lễ, Tết. Do đó người hành nghề khám, chữa bệnh là viên chức, người lao động sẽ không được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương vào ngày này.
Tuy nhiên người hành nghề khám, chữa bệnh có thể nghỉ làm vào ngày Thầy thuốc Việt Nam khác nếu sử dụng phép năm hay nghỉ không hưởng lương, cụ thể:
Nghỉ phép năm:
Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, khi người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm từ 12 - 16 ngày tùy vào công việc và thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương.
Ngoài ra tại Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 cũng có quy định nếu làm lâu năm thì người lao động còn được cộng phép thâm niên (cứ đủ 05 năm làm việc tính thêm 01 ngày phép).
Nghỉ không hưởng lương
Căn cứ theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 có quy định, người lao động có thể chủ động xin nghỉ không lương. Nhưng phải nhận được sự chấp thuận từ phía người sử dụng lao động và thời gian xin nghỉ sẽ không được hưởng lương.
Ngoài ra, nếu ngày lễ, hội đó trùng vào ngày nghỉ hằng tuần của người lao động theo Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động vẫn được nghỉ làm việc.
Người hành nghề được khám chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp nào?
Căn cứ tại Điều 36 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định:
Nguyên tắc đăng ký hành nghề
1. Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được trùng thời gian khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Người hành nghề được đăng ký làm việc tại một hoặc nhiều vị trí chuyên môn sau đây trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng phải bảo đảm chất lượng công việc tại các vị trí được phân công:
a) Khám bệnh, chữa bệnh theo giấy phép hành nghề;
b) Phụ trách một bộ phận chuyên môn;
c) Chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp sau đây:
a) Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện;
b) Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp;
c) Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt;
d) Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn;
đ) Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo đó, người hành nghề được khám chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp sau đây:
- Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện;
- Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp;
- Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt;
- Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn;
- Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.