Vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ không lương trong trường hợp nào?

Vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ không lương trong trường hợp nào?

Người lao động xin nghỉ không lương cần điều kiện gì?

Tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:

Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Theo quy định trên, các trường hợp người lao động được nghỉ không lương bao gồm:

(1) Khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột của người lao động chết; cha/mẹ, anh, chị, em ruột của người lao động kết hôn.

(2) Có thỏa thuận về việc nghỉ không hưởng lương giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Để xin nghỉ không lương theo các trường hợp trên, người lao động phải đảm bảo điều kiện sau:

- Trường hợp (1): Phải thông báo với người sử dụng lao động.

Pháp luật không quy định hình thức thông báo cụ thể nên người lao động có thể chọn thông báo bằng điện thoại, email, tin nhắn,…

- Trường hợp (2): Phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Pháp luật không quy định hình thức thỏa thuận nên người lao động có thể trao đổi bằng lời, bằng văn bản hoặc hình thức khác, miễn sao được người sử dụng lao động đồng ý.

Nghỉ không lương

Vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ không lương trong trường hợp nào?

Vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ không lương trong trường hợp nào?

Tại khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:

Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
...

Đồng thời, tại khoản 4 Điều 42 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy định như sau:

Quản lý đối tượng
4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
...

Như vậy, nếu tổng thời gian nghỉ không lương trong tháng của người lao động dưới 14 ngày làm việc thì cả người sử dụng lao động và người lao động đều phải đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.

Có được hưởng chế độ ốm đau trong thời gian nghỉ không lương hay không?

Tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:

Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Theo đó, khi bản thân gặp vấn đề về sức khỏe, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:

- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động mà phải nghỉ việc.

- Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

- Không phải ốm đau, tai nạn do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.

Tuy nhiên, điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH cũng nêu rõ:

Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
...
2. Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:
...
c) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Như vậy, nếu trong thời gian nghỉ không lương mà bị ốm đau, người lao động sẽ không được hưởng chế độ ốm đau.

MỚI NHẤT
0 lượt xem
Bài viết mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào