Tổ chức dịch vụ việc làm bắt buộc phải là đơn vị sự nghiệp công lập phải không?
Tổ chức dịch vụ việc làm bắt buộc phải là đơn vị sự nghiệp công lập phải không?
Căn cứ theo Điều 36 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Dịch vụ việc làm
1. Dịch vụ việc làm bao gồm: tư vấn, giới thiệu việc làm; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động.
2. Tổ chức dịch vụ việc làm bao gồm trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Theo đó, tổ chức dịch vụ việc làm sẽ bao gồm:
- Trung tâm dịch vụ việc làm;
- Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 37 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Trung tâm dịch vụ việc làm
1. Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm:
a) Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước thành lập;
b) Trung tâm dịch vụ việc làm do tổ chức chính trị - xã hội thành lập.
...
Và căn cứ theo khoản 1 Điều 39 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm
1. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và phải có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm cấp tỉnh cấp.
...
Theo đó, chỉ có trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập, còn doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thì không phải đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, tổ chức dịch vụ việc làm không bắt buộc phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
Tổ chức dịch vụ việc làm bắt buộc phải là đơn vị sự nghiệp công lập phải không? (Hình từ Internet)
Để thành lập trung tâm dịch vụ việc làm cần đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều kiện thành lập, tổ chức lại và giải thể
1. Điều kiện thành lập
a) Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm;
b) Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới);
d) Có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành;
đ) Có ít nhất 15 người làm việc là viên chức;
e) Cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, để thành lập trung tâm dịch vụ việc làm cần đáp ứng điều kiện sau:
- Thứ nhất, phải có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm;
- Thứ hai, phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Thứ ba, phải có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới);
- Thứ tư, phải có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 23/2021/NĐ-CP phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành;
- Thứ năm, phải có ít nhất 15 người làm việc là viên chức;
- Thứ sáu, cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.
Cơ quan ban hành quyết định thành lập trung tâm dịch vụ việc làm có cần gửi quyết định tới Ủy ban nhân dân tỉnh không?
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Thông báo về thành lập, tổ chức lại, giải thể và hoạt động trung tâm dịch vụ việc làm
1. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành Quyết định về thành lập, tổ chức lại, giải thể trung tâm dịch vụ việc làm, cơ quan ban hành Quyết định có trách nhiệm gửi 01 bản tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, quản lý.
Đối với trung tâm dịch vụ việc làm quy định tại các điểm a, c khoản 1 Điều 2 Nghị định này thì cơ quan ban hành Quyết định có trách nhiệm gửi thêm 01 bản Quyết định tới Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) nơi trung tâm dịch vụ việc làm đặt trụ sở.
2. Trước 10 ngày làm việc, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi trung tâm dịch vụ việc làm đặt trụ sở và thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về Quyết định thành lập, tổ chức lại, địa điểm trụ sở, số điện thoại, website của trung tâm dịch vụ việc làm.
Như vậy, cơ quan ban hành quyết định thành lập trung tâm dịch vụ việc làm phải gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh nơi trung tâm dịch vụ việc làm đặt trụ sở trong trường hợp sau:
- Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập;
- Trung tâm dịch vụ việc làm do người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp trung ương quyết định thành lập.
Trong trường hợp khác, cơ quan ban hành quyết định thành lập trung tâm dịch vụ việc làm chỉ cần gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.