Thủ tục hưởng chế độ ốm đau cho người lao động nước ngoài như thế nào? Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho người lao động nước ngoài gồm những gì?
- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ ốm đau khi bị bệnh không?
- Thủ tục hưởng chế độ ốm đau cho người lao động nước ngoài như thế nào?
- Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho người lao động nước ngoài như thế nào?
- Mẫu Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho người sử dụng lao động?
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ ốm đau khi bị bệnh không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
...
Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 143/2018/NĐ-CP dẫn chiếu đến Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
...
Như vậy, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc thì khi phải nghỉ việc do bị bệnh sẽ được hưởng chế độ ốm đau giống như người lao động Việt Nam.
Thủ tục hưởng chế độ ốm đau cho người lao động nước ngoài như thế nào? (Hình từ Internet)
Thủ tục hưởng chế độ ốm đau cho người lao động nước ngoài như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 143/2018/NĐ-CP như sau:
Trình tự, thủ tục tham gia, giải quyết bảo hiểm xã hội
1. Trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội và trình tự, thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thực hiện theo trình tự, thủ tục đối với lao động Việt Nam và thực hiện theo quy định tại Chương VII của Luật bảo hiểm xã hội; Điều 57, 58, 59, 60, 61 và 62 của Luật an toàn, vệ sinh lao động; Điều 5 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP; Điều 9, 10, 13, 14, 17, 18, 21, 22, 25 và Điều 26 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP trừ quy định tại khoản 3 Điều này và Điều 16 của Nghị định này.
...
Theo đó, thủ tục người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hưởng chế độ ốm sẽ thực hiện theo thủ tục hưởng chế độ ốm đau của người lao động theo quy định tại Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Bước 1: Người lao động chuẩn bị hồ sơ và nộp cho người sử dụng lao động
Thời hạn nộp hồ sơ là không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
- Bước 2: Người sử dụng lao động lập danh sách và nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động.
- Bước 3: Nhận kết quả
+ Cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động.
+ Người sử dụng lao động nhận tiền trợ cấp từ cơ quan BHXH để chi trả cho người lao động
+ Người lao động nước ngoài có thể nhận tiền trợ cấp thông qua người sử dụng lao động hoặc tài khoản cá nhân.
Bên cạnh đó, người lao động nước ngoài có thể ủy quyền cho người khác nhận thay cho mình nếu không có mặt tại Việt Nam, thực hiện theo quy định tại thủ tục “Ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp” hoặc bản chính Hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho người lao động nước ngoài như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 143/2018/NĐ-CP dẫn chiếu đến Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được hướng dẫn bởi khoản 2.1 Điều 4 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 quy định về hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau như sau:
Đối với người lao động nước ngoài:
- Trường hợp điều trị nội trú: Bản chính hoặc bản sao Giấy ra viện của người lao động.
+ Nếu người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng bản sao Giấy báo tử; trường hợp Giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì bổ sung giấy tờ khác của cơ sở khám, chữa bệnh có thể hiện thời gian vào viện;
+ Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao Giấy chuyển tuyến hoặc Giấy chuyển viện.
- Trường hợp điều trị ngoại trú: Bản chính Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
- Trường hợp khám, chữa bệnh ở nước ngoài: Bản sao của bản dịch tiếng Việt giấy khám, chữa bệnh do cơ sở y tế ở nước ngoài cấp.
Đối với người sử dụng lao động:
- Bản chính Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau.
Mẫu Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho người sử dụng lao động?
Mẫu Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau là Mẫu 01B-HSB ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019
Dưới đây là hình ảnh mẫu Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau hiện nay.
Tải Mẫu Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau mới nhất hiện nay. Tải về
Hướng dẫn viết Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau
PHẦN 1: DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ HƯỞNG CHẾ ĐỘ MỚI PHÁT SINH
Cột A : Ghi số thứ tự
Cột B: Ghi Họ và Tên của người lao động trong đơn vị đề nghị giải quyết trợ cấp BHXH.
Cột 1: Ghi mã số BHXH của người lao động trong đơn vị đề nghị giải quyết trợ cấp BHXH.
Cột 2: Ghi ngày/tháng/năm đầu tiên người lao động thực tế nghỉ việc hưởng chế độ theo quy định;
Cột 3: Ghi ngày/tháng/năm cuối cùng người lao động thực tế nghỉ hưởng chế độ theo quy định.
Cột 4: Ghi tổng số ngày thực tế người lao động nghỉ việc trong kỳ đề nghị giải quyết. Nếu nghỉ việc dưới 01 tháng ghi tổng số ngày nghỉ, nếu nghỉ việc trên 01 tháng ghi số tháng nghỉ và số ngày lẻ nếu có. Ví dụ: Người lao động thực tế nghỉ việc 10 ngày đề nghị giải quyết hưởng chế độ thì ghi: 10; Người lao động thực tế nghỉ việc 01 tháng 10 ngày đề nghị giải quyết hưởng chế độ thì ghi 1-10. Cộng tổng ở từng loại chế độ.
Cột C: Ghi số tài khoản, tên ngân hàng, chi nhánh nơi người lao động mở tài khoản; trường hợp người lao động không có tài khoản cá nhân thì bỏ trống.
Ví dụ: Số tài khoản 12345678xxx, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Thăng Long
Cột D: Ghi chỉ tiêu xác định điều kiện, mức hưởng (Chỉ kê khai đối với đơn vị thực hiện giao dịch điện tử không gửi kèm theo chứng từ giấy):
+ Đối với người hưởng chế độ ốm đau:
* Ghi đúng mã bệnh được ghi trong hồ sơ. Trường hợp trong hồ sơ không ghi mã bệnh thì ghi đầy đủ tên bệnh.
* Trường hợp nghỉ việc để chăm sóc con ốm thì ghi ngày, tháng, năm sinh của con. Ví dụ: Con sinh ngày 08 tháng 7 năm 2018 thì ghi: 08/7/2018 .
Cột E:
+ Trường hợp ngày nghỉ hàng tuần của người lao động không rơi vào ngày nghỉ hàng tuần theo quy định chung (ngày thứ Bảy và Chủ nhật) thì cần ghi rõ. Ví dụ: Ngày nghỉ hàng tuần vào ngày thứ Hai, thứ Năm hoặc Chủ nhật thì ghi: T2, T5 hoặc CN.
+ Trường hợp người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì ghi: PCKV 0,7.
+ Trường hợp con ốm: Ghi mã thẻ BHYT của con.
PHẦN 2: DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ ĐIỀU CHỈNH SỐ ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT
Phần danh sách này được lập đối với người lao động đã được cơ quan BHXH giải quyết hưởng trợ cấp trong các đợt trước nhưng do tính sai mức hưởng hoặc phát sinh về hồ sơ, về chế độ hoặc tiền lương... làm thay đổi mức hưởng, phải điều chỉnh lại theo quy định.
Cột A, B, 1, C: Ghi như hướng dẫn tại Phần I.
Cột 2: Ghi Đợt/tháng/năm cơ quan BHXH đã xét duyệt được tính hưởng trợ cấp trước đây trên Danh sách giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (mẫu C70b-HD tương ứng đợt xét duyệt lần trước của cơ quan BHXH) mà có tên người lao động được đề nghị điều chỉnh trong đợt này. Ví dụ: Đợt 3 tháng 02 năm 2018 thì ghi: 3/02/2018.
Cột 3: Ghi lý do đề nghị điều chỉnh như:
+ Điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp do đơn vị chưa kịp thời báo tăng; do người lao động mới nộp thêm giấy ra viện…
+ Điều chỉnh giảm mức hưởng trợ cấp do giảm mức đóng BHXH nhưng đơn vị chưa báo giảm kịp thời, đơn vị lập nhầm chế độ hưởng, lập trùng hồ sơ; xác định không đúng số ngày nghỉ hưởng trợ cấp...
Phần cuối danh sách phải có chữ ký số của Thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm về các thông tin nêu trong danh sách; trường hợp đơn vị không thực hiện giao dịch điện tử thì Thủ trưởng đơn vị ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu.
Ghi chú: Trong quá trình thực hiện, mẫu này và nội dung hướng dẫn lập mẫu có thể được sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cá biệt cho phù hợp với yêu cầu phát sinh trong thực tiễn theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.