Thủ tục giải quyết tố cáo về lao động của người lao động hiện nay như thế nào?
Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tố cáo của người lao động?
Theo quy định tại Điều 39 Nghị định 24/2018/NĐ-CP như sau:
Thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo đó, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có thẩm quyền giải quyết tố cáo về lao động thuộc phạm vi trong địa giới hành chính mình quản lý.
Thủ tục giải quyết tố cáo về lao động của người lao động hiện nay như thế nào? (Hình từ Internet)
Thủ tục giải quyết tố cáo về lao động của người lao động hiện nay như thế nào?
Theo quy định tại Điều 45 Nghị định 24/2018/NĐ-CP như sau:
Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo
1. Trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo, quyết định việc xử lý tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động; giáo dục nghề nghiệp; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc làm; an toàn, vệ sinh lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
2. Trường hợp kết luận người bị tố cáo có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động; giáo dục nghề nghiệp; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc làm; an toàn, vệ sinh lao động thì việc xử lý hành vi vi phạm hành chính đó phải tuân thủ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
3. Hồ sơ giải quyết tố cáo được lập theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Theo đó, trình tự giải quyết tố cáo về lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Dẫn chiếu đến Điều 28 Luật Tố cáo 2018 quy định về trình tự giải quyết tố cáo như sau:
Trình tự giải quyết tố cáo
1. Thụ lý tố cáo.
2. Xác minh nội dung tố cáo.
3. Kết luận nội dung tố cáo.
4. Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
Theo đó, giải quyết tố cáo về lao động thực hiện theo trình tự 4 bước như sau:
Bước 1: Thụ lý tố cáo (Điều 29 Luật Tố cáo 2018)
- Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH xem xét, ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.
- Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết.
Bước 2: Xác minh nội dung tố cáo. (Điều 31 Luật Tố cáo 2018)
- Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác xác minh nội dung tố cáo.
- Người xác minh nội dung tố cáo phải tiến hành các biện pháp cần thiết để thu thập thông tin, tài liệu, làm rõ nội dung tố cáo. Thông tin, tài liệu thu thập phải được ghi chép thành văn bản, khi cần thiết thì lập thành biên bản, được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc tố cáo.
- Trong quá trình xác minh, người xác minh nội dung tố cáo phải tạo điều kiện để người bị tố cáo giải trình, đưa ra các chứng cứ để chứng minh tính đúng, sai của nội dung cần xác minh.
- Kết thúc việc xác minh nội dung tố cáo, người được giao xác minh phải có văn bản báo cáo người giải quyết tố cáo về kết quả xác minh nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý.
Bước 3: Kết luận nội dung tố cáo. (Điều 35 Luật Tố cáo 2018)
- Căn cứ vào nội dung tố cáo, giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ có liên quan, người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo.
- Kết luận nội dung tố cáo phải có các nội dung chính sau đây:
+ Kết quả xác minh nội dung tố cáo;
+ Căn cứ pháp luật để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật;
+ Kết luận về nội dung tố cáo là đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai sự thật; xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung tố cáo;
+ Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền cần thực hiện; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật;
+ Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo.
Bước 4: Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo. (Điều 36 Luật Tố cáo 2018)
- Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo tiến hành việc xử lý như sau:
+ Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật;
+ Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kiến nghị trong kết luận nội dung tố cáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo về kết quả xử lý.
Thời hạn giải quyết tố cáo về lao động là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo 2018 như sau:
Thời hạn giải quyết tố cáo
1. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
2. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
3. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
4. Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, thời hạn giải quyết tố cáo về lao động là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
Nếu vụ việc phức tạp gia hạn một lần nhưng không quá 30 ngày.
Nếu vụ việc đặc biệt phức tạp có thể gia hạn hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.