Thủ tục cắt giảm nhân sự đúng luật cho doanh nghiệp vào cuối năm thực hiện như thế nào?
Thủ tục cắt giảm nhân sự đúng luật cho doanh nghiệp vào cuối năm thực hiện như thế nào?
Doanh nghiệp không thể ngay lập tức cho người lao động nghỉ việc khi gặp những sự cố, tình huống buộc phải cắt giảm nhân sự mà phải thực hiện theo từng bước sau:
(1) Trường hợp doanh nghiệp gặp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc phải di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh
Bước 1: Ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động
- Thời hạn ra thông báo: (Điều 36 Bộ luật Lao động 2019)
Với người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn: Báo trước ít nhất 45 ngày so với ngày chính thức chấm dứt hợp đồng.
Với người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ 12 đến 36 tháng: Báo trước ít nhất 30 ngày so với ngày chính thức chấm dứt hợp đồng.
Với người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng: Báo trước ít nhất 03 ngày làm việc so với ngày chính thức chấm dứt hợp đồng.
- Hình thức thông báo: Ra văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng lao động. (Điều 45 Bộ luật Lao động 2019)
Bước 2: Ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động khi đến hạn và tiến hành thanh lý hợp đồng lao động.
Doanh nghiệp có trách nhiệm trả tiền lương, trợ cấp thôi việc, tiền phép năm chưa nghỉ hết và các khoản tiền khác liên quan đến quyền lợi của người lao động. (Điều 46 Bộ luật Lao động 2019)
Ngoài ra còn phải chốt thời gian đóng bảo hiểm và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Điều 48 Bộ luật Lao động 2019)
(2) Trường hợp do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ, gặp lý do kinh tế; bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản
Bước 1: Xây dựng phương án sử dụng lao động
Tại khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2019, phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau:
- Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;
- Số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu;
- Số lượng và danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;
- Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
Bước 2: Trao đổi và thông báo cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2019, trong quá trình xây dựng phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có).
Trường hợp không giải quyết được việc làm cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp mà phải cho họ nghỉ việc thì doanh nghiệp phải gửi thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động trong vòng 30 ngày trước khi tiến hành cho thôi việc (khoản 6 Điều 42 Bộ luật Lao động 2019).
Nội dung thông báo bao gồm:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động.
- Tổng số lao động; số lao động cho thôi việc.
- Lý do cho người lao động thôi việc.
- Thời điểm người lao động thôi việc.
- Kinh phí dự kiến chi trả trợ cấp mất việc làm.
Bước 3: Thực hiện phương án sử dụng lao động.
Bước 4: Thanh lý hợp đồng lao động với người lao động thuộc diện cắt giảm nhân sự.
Người lao động được trả lương, trợ cấp mất việc, tiền phép năm chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết cùng các khoản tiền khác liên quan đến quyền lợi của người lao động.
Thủ tục cắt giảm nhân sự đúng luật cho doanh nghiệp vào cuối năm thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Mẫu thông báo cắt giảm nhân sự cuối năm hiện nay là mẫu nào?
Hiện nay Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản liên quan không quy định cụ thể về mẫu thông báo cắt giảm nhân sự cuối năm. Doanh nghiệp có thể tham khảo mẫu thông báo cắt giảm nhân sự cuối năm sau đây:
Tải mẫu thông báo cắt giảm nhân sự cuối năm: Tại đây
Mức trợ cấp mất việc làm mà người lao động được hưởng khi bị cắt giảm nhân sự cuối năm là bao nhiêu?
Tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Trợ cấp mất việc làm
1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, khi người lao động bị cắt giảm nhân sự cuối năm mà đủ điều kiện hưởng trợ cấp mất việc, mỗi năm làm việc sẽ được trợ cấp 1 tháng tiền lương. Cụ thể:
Trợ cấp mất việc làm = Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm x Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm