Thẻ bảo hiểm y tế cấp mới cho người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày có giá trị sử dụng từ ngày nào?
Thẻ bảo hiểm y tế cấp mới cho người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày có giá trị sử dụng từ ngày nào?
Tại khoản 5 Điều 47 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, được sửa đổi bởi khoản 73 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 có quy định như sau:
Giá trị sử dụng thẻ BHYT
...
4. Người lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản tiếp tục sử dụng thẻ BHYT đã cấp, không thực hiện đổi thẻ BHYT. Đối với người lao động nghỉ không lương mà trong thời gian đó đơn vị lập hồ sơ nghỉ hưởng chế độ thai sản thì ghi giá trị sử dụng từ tháng nghỉ thai sản đến hết giá trị sử dụng của thẻ BHYT đã cấp.
Ví dụ 18: Bà Nguyễn Thị A làm việc và đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN tại Công ty M từ tháng 7/2016. Tháng 02/2017, Bà A xin nghỉ không lương từ tháng 3/2017, được đơn vị đồng ý và lập hồ sơ báo giảm Bà A nghỉ không lương với cơ quan BHXH từ tháng 3/2017, cơ quan BHXH giảm giá trị sử dụng của thẻ BHYT từ ngày 01/3/2017. Tháng 5/2017, đơn vị lập hồ sơ bảo giảm Bà A nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ tháng ngày 01/5/2017, cơ quan BHXH ghi giá sử dụng từ ngày 01/5/2017 đến hết thời hạn của thẻ BHYT đã cấp.
5. Người lao động nghỉ ốm đau dài ngày hoặc nghỉ hưởng chế độ hưu trí, thẻ BHYT đã cấp tiếp tục được sử dụng đến hết tháng đơn vị báo giảm. Thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng từ ngày đầu của tháng kế tiếp của tháng báo giảm.
6. Người lao động vẫn đóng BHYT hằng tháng trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì thẻ BHYT đã cấp tiếp tục được sử dụng. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động có tội thì thẻ BHYT được sử dụng đến hết tháng đơn vị có báo giảm.
7. BHXH tỉnh thực hiện gia hạn giá trị sử dụng thẻ BHYT trên cơ sở dữ liệu quản lý, không thực hiện in đổi thẻ BHYT mới (trừ trường hợp mất, rách, hỏng hoặc thay đổi thông tin trên thẻ).
Theo quy định trên, thẻ bảo hiểm y tế cấp mới cho người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày có giá trị sử dụng từ ngày đầu của tháng kế tiếp của tháng báo giảm lao động.
Thẻ bảo hiểm y tế cấp mới cho người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày có giá trị sử dụng từ ngày nào? (Hình từ Internet)
Người lao động bị thu hồi thẻ bảo hiểm y tế trong trường hợp nào?
Tại Điều 20 Luật Bảo hiểm y tế 2008, được bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định như sau:
Thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế
1. Thẻ bảo hiểm y tế bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
a) Gian lận trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế;
b) Người có tên trong thẻ bảo hiểm y tế không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.
c) Cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế.
2. Thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ trong trường hợp người đi khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác. Người có thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật.
Theo đó, người lao động bị thu hồi thẻ bảo hiểm y tế khi:
- Gian lận trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế.
- Người có tên trong thẻ bảo hiểm y tế không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.
- Cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế.
Hiện nay, người lao động không cần mang thẻ bảo hiểm y tế giấy khi đi khám chữa bệnh trong trường hợp nào?
Trường hợp có sử dụng VssID
Tại Công văn 1493/BHXH-CSYT năm 2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn như sau:
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế tại Công văn số 4316/BYT-BH ngày 27/5/2021 về việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên ứng dụng Vss-ID để đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp Sở Y tế để chỉ đạo cơ sở KCB triển khai thực hiện, có văn bản gửi cơ sở KCB BHYT thống nhất một số nội dung sau:
- Từ 01/6/2021, người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy;
- Cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID (trường hợp cơ sở không có đầu đọc).
- Cơ sở KCB có các giải pháp chống lạm dụng trục lợi quỹ KCB BHYT; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo cơ quan BHXH để phối hợp giải quyết.
...
Theo đó, từ ngày 01/6/2021, người lao động đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy.
Như vậy, người lao động tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh không cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế giấy nếu có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng Bảo hiểm số Vss-ID.
Trường hợp đã tích hợp CCCD
Căn cứ theo Công văn 931/BYT-BH năm 2022 hướng dẫn triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Theo đó, người dân hoàn toàn có thể dùng thẻ CCCD gắn chíp đã tích hợp thông tin BHYT để thay thế cho thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh.
Trường hợp sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên VNeID
VNeID là ứng dụng định danh điện tử được phát triển bởi Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Bộ Công an. Ứng dụng dùng để định danh công dân, được tích hợp nhiều thông tin của cá nhân nên có thể dùng xuất trình thay thế nhiều loại giấy tờ trong đó có thẻ bảo hiểm y tế.
Hiện nay người dân có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế đã được tích hợp trên ứng dụng VNeID để thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy khi đi khám chữa bệnh căn cứ theo Công văn số 931/BYT-BH năm 2022 ngày 28/02/2022 nêu rõ:
Trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc qua ứng dụng VNeID đã có thông tin hợp lệ về tham gia bảo hiểm y tế thì cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về bảo hiểm y tế và tiếp đón người bệnh theo quy trình chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện hành; đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi chữa bệnh bảo hiểm y tế kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNeID.