Thai lưu bao lâu thì tự đào thải? Lao động nữ được nhận tiền thai sản bao nhiêu khi thai lưu?
Thai lưu bao lâu thì tự đào thải?
Thai lưu hay thai chết lưu là tình trạng thai nhi ngừng phát triển sau tuần thứ 20 của thai kỳ và trước thời điểm mẹ chuyển dạ. Thai chết lưu được phân loại theo số tuần mang thai:
Từ 20 – 27 tuần: thai chết lưu sớm
Từ 28 – 36 tuần: thai chết lưu muộn
Sau 37 tuần: thai chết lưu đủ tháng
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thai lưu, từ phía mẹ, nguyên nhân có thể do các bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, suy thận, viêm gan, huyết áp cao, thiếu máu, nhiễm ký sinh trùng,… Ngoài ra phụ nữ mang thai khi lớn tuổi, dinh dưỡng kém và lao động vất vả có nguy cơ bị lưu thai cao hơn nhiều so với người bình thường. Từ phía thai nhi, các rối loạn nhiễm sắc thể di truyền, phù nhau thai, rau thai quấn rốn, tim bẩm sinh nặng, vô sọ,… đều là nguyên nhân gây thai lưu.
Thông thường, thai lưu tồn tại trong tử cung khoảng 48 giờ trước khi tự tiêu biến và được đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thai lưu không tự tiêu biến mà cần sự can thiệp để loại bỏ, thường thông qua quá trình hút thai. Nếu thai lưu không được loại bỏ kịp thời, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng mang thai trong những lần mang thai sau này.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Thai lưu bao lâu thì tự đào thải? Lao động nữ được nhận tiền thai sản bao nhiêu khi thai lưu?
Bị thai lưu thì lao động nữ được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày?
Căn cứ tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Theo đó, khi bị thai lưu thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Như vậy, lao động nữ bị thai lưu được nghỉ tối đa 50 ngày.
Lưu ý: thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Lao động nữ được nhận tiền thai sản bao nhiêu khi thai lưu?
Căn cứ khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Mức hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 của Luật này.
Theo đó, tiền thai sản một tháng khi thai lưu bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Nếu lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì tiền thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Tiền một tháng khi thai lưu được tính theo công thức sau:
Tiền thai sản khi thai lưu = 100% x (Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội : 30) x số ngày nghỉ