Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau kể từ tháng 7/2023?
Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau kể từ tháng 7/2023?
Căn cứ khoản 3 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, cụ thể như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
...
3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Theo đó, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Trong đó, mức lương cơ sở:
- Từ nay đến hết 30/6/2023: 1,49 triệu đồng/tháng (căn cứ Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP);
- Từ 01/7/2023 trở đi đến khi có quy định mới là 1,8 triệu đồng/tháng (khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15).
Do đó, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày như sau:
- Từ nay đến hết 30/6/2023: 447.000 đồng/ngày.
- Từ 01/7/2023 trở đi đến khi có quy định mới: 540.000 đồng/ngày.
Như vậy, kể từ tháng 7/2023, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau sẽ được gia tăng do tăng lương cơ sở.
Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau kể từ tháng 7/2023? (Hình từ Internet)
Thời gian tối đa để nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau là bao lâu?
Căn cứ Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, cụ thể như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
1. Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
b) Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
c) Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
...
Theo đó, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian một năm thì trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa 10 ngày trong một năm.
Thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính vào thời gian nào?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH) quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, cụ thể như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
1. Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, kể cả người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 29 của Luật bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 11: Ông Ph đang tham gia bảo hiểm xã hội theo chức danh nghề nặng nhọc, tính đến hết tháng 7/2016 đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau (bệnh không thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày) được 35 ngày, sau khi đi làm trở lại được một tuần thấy sức khỏe còn yếu, ông Ph được công ty quyết định cho nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày. Tháng 9/2016, ông Ph bị ốm đau phải phẫu thuật, nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau 07 ngày thì quay trở lại làm việc nhưng sức khỏe chưa phục hồi.
Trường hợp ông Ph tính đến thời điểm tháng 9/2016 đã nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau (ốm đau không thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày) được 05 ngày. Do vậy, khi quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau phải phẫu thuật mà sức khỏe chưa phục hồi thì ông Ph được nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau với thời gian tối đa là 02 ngày (dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau do phải phẫu thuật tối đa là 07 ngày nhưng trước đó ông Ph đã nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau là 05 ngày).
1a. Thời gian được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa trong một năm được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội. Việc xác định thời gian tối đa được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm được căn cứ theo lần nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau cuối cùng trước khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (ốm đau thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày hoặc ốm đau do phải phẫu thuật hoặc ốm đau khác).
2. Người lao động đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó.
Ví dụ 12: Bà D phải nghỉ việc để điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày từ ngày 01/8/2016 đến hết ngày 10/12/2016 (trong năm 2016 bà D chưa nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau). Từ ngày 11/12/2016, bà D trở lại tiếp tục làm việc đến ngày 04/01/2017 do sức khỏe chưa phục hồi nên bà D được đơn vị giải quyết nghỉ việc hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe 10 ngày.
Trường hợp bà D được nghỉ hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 10 ngày và thời gian nghỉ này được tính cho năm 2016.
3. Trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Theo đó, người lao động đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó.