Tai nạn lao động làm bị thương nặng từ 02 người trở lên thì Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm gì?
Tai nạn lao động là gì?
Căn cứ Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2. An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.
3. Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động.
4. Yếu tố nguy hiểm là yếu tố gây mất an toàn, làm tổn thương hoặc gây tử vong cho con người trong quá trình lao động.
5. Yếu tố có hại là yếu tố gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động.
6. Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động là hư hỏng của máy, thiết bị, vật tư, chất vượt quá giới hạn an toàn kỹ thuật cho phép, xảy ra trong quá trình lao động và gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho con người, tài sản và môi trường.
7. Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng là sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động lớn, xảy ra trên diện rộng và vượt khả năng ứng phó của cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, tổ chức, địa phương hoặc liên quan đến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương.
8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
...
Như vậy, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Tai nạn lao động làm bị thương nặng từ 02 người trở lên thì Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm gì? (Hình từ Internet)
Người lao động có quyền từ chối làm công việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng của mình không?
Căn cứ Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:
a) Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;
b) Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;
c) Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
đ) Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;
...
Như vậy, người lao động có quyền từ chối làm công việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng của mình.
Tai nạn lao động làm bị thương nặng từ 02 người trở lên thì Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm gì?
Căn cứ Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Khai báo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động
1. Việc khai báo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động thực hiện như sau:
a) Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra;
b) Đối với các vụ tai nạn quy định tại điểm a khoản này làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khai báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
c) Đối với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện khai báo theo quy định của luật chuyên ngành;
d) Khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc bị thương nặng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có biện pháp xử lý.
Trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an cấp huyện và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn để kịp thời có biện pháp xử lý.
Trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì người phát hiện có trách nhiệm kịp thời khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi xảy ra sự cố kỹ thuật và việc báo cáo thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 của Luật này.
...
Như vậy, trường hợp tai nạn lao động làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên thì Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an cấp huyện và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn để kịp thời có biện pháp xử lý.