Rằm tháng 4 có phải là ngày lễ Phật đản không? Người lao động đi làm vào ngày này được hưởng lương thế nào?
Rằm tháng 4 có phải là ngày lễ Phật đản không?
Rằm tháng 4 âm lịch chính là ngày lễ Phật đản, kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời. Đây là một trong những ngày lễ trọng đại của đạo Phật và được tổ chức hàng năm.
Lễ Phật đản không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn lan toả những giá trị nhân văn. Năm 1999, Liên Hợp Quốc cũng đã công nhận ngày lễ Vesak, tức ngày Phật đản, là một ngày lễ toàn cầu của Phật giáo.
Theo Thông bạch 88/TB-HĐTS năm 2024 về việc hướng dẫn Tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568, thời gian tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 01/04 đến 15/04 Giáp Thìn (tức 08/05/2024 đến 22/05/2024 Dương lịch). Trong đó, Chính lễ (ngày lễ Phật đản chính thức) là ngày rằm tháng 4 năm Giáp Thìn (tức 22/05/2024 Dương lịch).
Xem chi tiết: Thông bạch 88/TB-HĐTS năm 2024 Tại đây
Năm nay, ngày rằm tháng tư rơi vào thứ tư ngày 22 tháng 5 năm 2024 Dương lịch.
Rằm tháng 4 có phải là ngày lễ Phật đản không? Người lao động đi làm vào ngày này được hưởng lương thế nào?
Người lao động có được nghỉ vào rằm tháng 4 không?
Căn cứ tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Ngoài ra căn cứ tại quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
...
Và tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
...
Theo đó, trong những trường hợp nghỉ hưởng nguyên lương nêu trên không có trường hợp quy định người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương vào rằm tháng 4.
Như vậy, người lao động sẽ không được nghỉ hưởng nguyên lương vào rằm tháng 4.
Lưu ý: trường hợp rằm tháng 4 trùng vào các các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động vẫn sẽ được nghỉ hưởng nguyên lương.
Tuy nhiên, người lao động có thể sử dụng ngày nghỉ phép năm của mình để được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày này.
Nếu rằm tháng 4 trùng vào ngày nghỉ hàng tuần của người lao động thì người lao động vẫn sẽ được nghỉ vào ngày này.
Ngoài ra, căn cứ tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động có thể chủ động xin nghỉ không lương vào rằm tháng 4. Tuy nhiên, phải nhận được sự chấp thuận từ phía người sử dụng lao động.
Người lao động đi làm vào ngày rằm tháng 4 được hưởng lương thế nào?
Theo đó, ngày rằm tháng 4 là một ngày bình thường, không phải là ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tại Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
...
Theo đó, người lao động đi làm vào ngày rằm tháng 4 sẽ được trả lương theo giao kết trong nội dung của hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, nếu ngày rằm tháng 4 trùng vào ngày nghỉ hàng tuần của người lao động thì trường hợp này người lao động sẽ được hưởng lương như sau:
Căn cứ tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
...
Theo đó, trường hợp người lao động đi làm vào ngày nghỉ hàng tuần thì được hưởng lương như sau:
- Đi làm vào ban ngày: Hưởng ít nhất là bằng: 200% lương của ngày làm việc bình thường.
- Đi làm vào ban đêm: Hưởng ít nhất là bằng 270% lương của ngày làm việc bình thường. Cụ thể thực hiện theo công thức sau đây:
Lương làm thêm giờ vào ban đêm = Lương làm thêm ngày nghỉ hằng tuần + 30% lương ngày thường + 20% lương làm thêm giờ vào ban ngày = 200% + 30% + (20% x 200%) = 270%