Quyết định kỷ luật sĩ quan đương nhiên chấm dứt hiệu lực trường hợp nào?
Quyết định kỷ luật sĩ quan đương nhiên chấm dứt hiệu lực trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 51 Thông tư 143/2023/TT-BQP quy định như sau:
Quyết định kỷ luật
1. Quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành.
2. Hiệu lực của quyết định kỷ luật
a) Quyết định kỷ luật có hiệu lực 12 tháng đối với các hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, giáng cấp bậc quân hàm.
b) Quyết định kỷ luật có hiệu lực vĩnh viễn đối với hình thức tước quân hàm sĩ quan, tước danh hiệu quân nhân (việc chấm dứt hiệu lực trong từng trường hợp cụ thể do cấp có thẩm quyền xem xét quyết định).
c) Trong thời gian có hiệu lực của quyết định kỷ luật
Nếu người bị kỷ luật không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì khi hết thời gian của hiệu lực, quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực, người vi phạm được công nhận tiến bộ mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực hay công nhận tiến bộ;
Nếu người bị kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm mới có hiệu lực.
d) Khi quyết định kỷ luật đã hết hiệu lực mà người đã bị kỷ luật lại có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì khi xem xét xử lý kỷ luật được coi là hành vi vi phạm mới.
Như vậy, quyết định kỷ luật sĩ quan đương nhiên chấm dứt hiệu lực trường hợp sau:
- Người bị kỷ luật không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật khi hết thời gian của hiệu lực;
- Có quyết định kỷ luật mới và quyết định đó có hiệu lực thi hành thì quyết định kỷ luật hiện hành đương nhiên hết hiệu lực.
Quyết định kỷ luật sĩ quan đương nhiên chấm dứt hiệu lực trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Sĩ quan bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách có bị ghi vào lý lịch hay không?
Căn cứ theo Điều 52 Thông tư 143/2023/TT-BQP quy định như sau:
Công bố quyết định kỷ luật
1. Căn cứ vào đối tượng, tính chất vi phạm, hình thức kỷ luật để sau khi có quyết định kỷ luật, người chỉ huy tập hợp đơn vị hay chỉ riêng cán bộ công bố quyết định hoặc gửi thông báo cho cơ quan, đơn vị liên quan và quy định phạm vi phổ biến. Phải ghi vào lý lịch nếu bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.
2. Trường hợp bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc thì sau khi công bố quyết định kỷ luật; chỉ huy đơn vị quản lý quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên phải cử cán bộ đưa quân nhân vi phạm kỷ luật cùng toàn bộ hồ sơ có liên quan bàn giao cho cơ quan quân sự cấp huyện; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú (trừ trường hợp đào ngũ không trở lại đơn vị hoặc bị tòa án tuyên án phạt tù).
3. Trường hợp quân nhân đào ngũ bị xử lý kỷ luật vắng mặt, đơn vị gửi văn bản đến UBND cấp xã, phường, thị trấn, cơ quan quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú và gia đình quân nhân thông báo hình thức xử lý và yêu cầu quân nhân vi phạm trở lại đơn vị. Nếu sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà quân nhân vi phạm không trở lại đơn vị công tác hoặc chưa đến 30 ngày, quân nhân trở về đơn vị nhưng sau đó tiếp tục bỏ đơn vị từ 2 (hai) lần trở lên mà không được cấp có thẩm quyền cho phép thì bị coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 143/2023/TT-BQP, hình thức kỷ luật đối với sĩ quan bao gồm: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; giáng cấp bậc quân hàm; tước quân hàm sĩ quan; tước danh hiệu quân nhân.
Sau khi có quyết định kỷ luật sĩ quan, phải ghi vào lý lịch nếu sĩ quan bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên. Do đó, sĩ quan bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách sẽ bị ghi vào lý lịch.
Hồ sơ kỷ luật đối với sĩ quan trong quân đội bao gồm những gì?
Căn cứ theo Điều 53 Thông tư 143/2023/TT-BQP quy định như sau:
Hồ sơ kỷ luật
1. Hồ sơ kỷ luật
a) Hồ sơ kỷ luật gồm: Bản tường trình, bản tự kiểm điểm của người vi phạm; trích yếu, trích ngang; biên bản các cuộc họp; kết luận điều tra, xác minh của cơ quan chức năng, bản án có hiệu lực của tòa án, ý kiến tham gia của các tổ chức quần chúng, báo cáo đề xuất của các cơ quan (nếu có); quyết định thi hành kỷ luật của cấp có thẩm quyền.
b) Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ cho các cuộc họp
Đối với cấp không có cơ quan: Người chỉ huy chuẩn bị hồ sơ, tài liệu;
Đối với cấp có cơ quan: Người vi phạm là đảng viên hoặc thuộc diện cơ quan cán bộ quản lý, do Ủy ban kiểm tra đảng ủy cùng cấp chủ trì phối hợp với cơ quan quản lý nhân sự và các cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, tài liệu. Người vi phạm không là đảng viên, do cơ quan quản lý nhân sự của người vi phạm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu.
c) Trường hợp vi phạm kỷ luật thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đối tượng thuộc diện Quân lực quản lý không phải là đảng viên, hồ sơ gửi về Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu; đối tượng là đảng viên hoặc thuộc diện Cán bộ quản lý, hồ sơ gửi về Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị để tiến hành các bước.
2. Quản lý hồ sơ kỷ luật
Hồ sơ kỷ luật được quản lý tại đơn vị có người vi phạm; cơ quan Tham mưu, Chính trị, Ủy ban kiểm tra; cơ quan chức năng khác (nếu cần). Cơ quan Tham mưu là cơ quan tổng hợp, quản lý số liệu kỷ luật.
Như vậy, hồ sơ kỷ luật đối với sĩ quan trong quân đội bao gồm:
- Bản tường trình, bản tự kiểm điểm của người vi phạm;
- Trích yếu, trích ngang;
- Biên bản các cuộc họp;
- Kết luận điều tra, xác minh của cơ quan chức năng, bản án có hiệu lực của tòa án, ý kiến tham gia của các tổ chức quần chúng, báo cáo đề xuất của các cơ quan (nếu có);
- Quyết định thi hành kỷ luật của cấp có thẩm quyền.