Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động có sự thay đổi như thế nào qua các năm?

Tôi thắc mắc về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong quy định của pháp luật có sự thay đổi nào giữa bây giờ với trước kia không? Câu hỏi từ anh Hậu (Ninh Thuận).

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động có sự thay đổi như thế nào trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2013?

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 8 Bộ luật Lao động 1994 (01/01/1995-01/05/2013) như sau:

1- Người sử dụng lao động có quyền tuyển chọn lao động, bố trí, Điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; có quyền khen thưởng và xử lý các vi phạm kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật lao động.
2- Người sử dụng lao động có quyền cử đại diện để thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể trong doanh nghiệp hoặc thoả ước lao động tập thể ngành; có trách nhiệm cộng tác với công đoàn bàn bạc các vấn đề về quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
3- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và những thoả thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm và đối xử đúng đắn với người lao động.

Bên cạnh đó, Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 6 Bộ luật Lao động 2012 (01/5/2013 - 01/01/2021) như sau:

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:
a) Tuyển dụng, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;
b) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
c) Yêu cầu tập thể lao động đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; trao đổi với công đoàn về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;
d) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc.
2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại với tập thể lao động tại doanh nghiệp và thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở;
c) Lập sổ quản lý lao động, sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
d) Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động và định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương;
đ) Thực hiện các quy định khác của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

Như vậy có thể thấy rõ sự phát triển quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động giữa hai Bộ luật. Như vậy kể từ khi Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực đến ngày 01/01/2021 đã có sự phân tách rõ ràng giữa quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động.

Đồng thời bổ sung thêm các quyền của người sử dụng lao động như:

- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

- Đóng cửa tạm thời nơi làm việc.

Các nghĩa vụ của người sử dụng lao động từ Bộ luật Lao động 1994 cũng được Bộ luật Lao động 2012 kế thừa các giá trị và quy định chi tiết hơn các nghĩa vụ mà người sử dụng lao động phải thực hiện.

quyền và nghia vụ người sử dụng lao động

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động qua các năm (Hình từ Internet)

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động có sự thay đổi như thế nào từ 2013 đến nay?

So với Bộ luật Lao động 2012 (Có hiệu lực từ 01/5/2013 - 01/01/2021) thì hiện nay quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 (Có hiệu lực từ 01/01/2021 đến nay) có nêu như sau:

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:
a) Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;
b) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
c) Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;
d) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
c) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
d) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.

Có thể thấy được so với hai Bộ luật đã hết hiệu lực trước đây, Bộ luật Lao động 2019 đã cải thiện hơn rất nhiều. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động của Bộ luật Lao động 2019 vẫn giữ tính chất của các quy định từ Bộ luật Lao động 2012 đồng thời bổ sung thêm một số quyền và nghĩa vụ như:

- Quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Nghĩa vụ tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.

Việc quy định này nhằm giúp Bộ luật Lao động hoàn thiện hơn, giải quyết được nhiều vấn đề và phù hợp hơn với tình hình thực tế của đất nước.

Hiện nay, người sử dụng lao động có trách nhiệm gì trong việc quản lý người lao động?

Việc quản lý người lao động là một trong những quyền của người sử dụng lao động. Tại Điều 12 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định rõ thêm về trách nhiệm này như sau:

Trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động
1. Lập, cập nhật, quản lý, sử dụng sổ quản lý lao động bằng bản giấy hoặc bản điện tử và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
2. Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Có thể thấy quy định này là sự tiến bộ của Bộ luật Lao động 2019 bởi hai Bộ luật cũ không có quy định rõ về trách nhiệm quản lý người lao động của người sử dụng lao động.

MỚI NHẤT
0 lượt xem
Bài viết mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào